Trần Thị Diễm My, đồng sáng lập BioStarch: Kéo dài ‘tuổi thọ’ của rau, củ, quả bằng túi bảo quản sinh học

0:00 / 0:00
0:00
Diễm My và đội ngũ BioStarch sản xuất thành công túi bảo quản làm từ tinh bột sắn và nhựa Polyethylene, giúp nông sản giữ được độ tươi ngon, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
Trần Thị Diễm My, đồng sáng lập BioStarch. Trần Thị Diễm My, đồng sáng lập BioStarch.

Giải pháp hữu ích cho bảo quản sau thu hoạch

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Chứng kiến nông sản bị ùn ứ, đổ bỏ do không xuất khẩu được, Diễm My nhen nhóm ý tưởng tạo ra giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Thông thường, các loại rau, củ, quả trong quá trình xuất khẩu cũng dễ bị hư hỏng bởi công đoạn vận chuyển mất nhiều thời gian.

Với mong muốn hỗ trợ công tác bảo quản rau, củ, quả bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường, Diễm My và đội ngũ cộng sự bắt tay nghiên cứu công nghệ nano trong sản xuất nhựa sinh học.

“Hiện ở Việt Nam chưa có nhiều giải pháp bảo quản rau, củ, quả hữu hiệu. Ở công đoạn đầu tiên sau thu hoạch, nông dân và các thương nhân đều sử dụng túi nylon để đựng. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu rau, củ, trái cây với kim ngạch hàng tỷ USD, nhưng tỷ lệ hư hao lên tới 40%. Giá trị nông sản Việt ở mức thấp, do chưa có biện pháp hiệu quả giúp giải bài toán bảo quản sau thu hoạch. Thêm vào đó, việc sử dụng túi nylon trong khâu bảo quản làm phát sinh thêm một bài toán khác là ô nhiễm rác thải nhựa”, Diễm My chia sẻ về trăn trở của các nhà sáng lập Dự án BioStarch.

Trả lời câu hỏi: “Có gì tốt nhất thế giới trong sản phẩm này?” do ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đặt ra tại một cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức gần đây, Diễm My tự tin nói: “BioStarch dùng nguyên liệu tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm túi bảo quản sinh học bằng tiêu chuẩn quốc tế, do người Việt thực hiện là những lợi thế mà chúng tôi tự hào”.

Sau thời gian nghiên cứu, BioStarch đã cho ra đời sản phẩm túi bảo quản sinh học. Hạt nhựa sinh học có thành phần chính là tinh bột sắn mỳ công nghiệp và nhựa nguyên sinh nguồn gốc dầu mỏ, ứng dụng trong việc sản xuất các sản phẩm nhựa dùng cho bao bì thực phẩm.

Diễm My cho biết, nhựa sinh học có thời gian phân hủy ngắn (từ 2 đến 5 năm) so với thời gian phân hủy hàng trăm năm của nhựa thường, giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên.

“Chúng tôi mong muốn nâng cao giá trị cây sắn, loại cây chuyên dùng làm thức ăn gia súc và thường được trồng trong các chương trình xóa đói giảm nghèo. Nhờ ứng dụng công nghệ mới, cây sắn sẽ trở thành vật liệu có giá trị kinh tế cao, giúp nông sản xuất khẩu của Việt Nam đi xa hơn, có giá trị cao hơn”, Diễm My bày tỏ.

Đội ngũ BioStarch mong muốn mang lại giá trị bền vững cho các bên trong chuỗi giá trị nông sản Việt, từ người nông dân, nhà sản xuất đến người tiêu dùng, thông qua việc cung cấp một giải pháp hữu ích cho công tác bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.

Góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt

Làm chậm quá trình chín của sản phẩm; giúp rau, củ, quả tươi lâu hơn (từ 10 đến 20 ngày, tùy điều kiện), sản phẩm phân hủy sinh học từ 6 tháng đến 2 năm… là những lợi ích nổi bật của túi bảo quản sinh học “biết thở” do BioStarch sản xuất. Lớp màng của túi dù không thấm nước, nhưng lại có thể cho không khí xuyên qua mà vẫn cân bằng độ ẩm trong túi. Sản phẩm sẽ góp phần kéo dài “tuổi thọ” của rau, củ, quả với các chuyến hàng xuất khẩu cần thời gian vận chuyển dài ngày.

Diễm My cho biết, các sản phẩm này đều đã được các tổ chức uy tín của châu Âu, Mỹ và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 của Việt Nam cấp giấy chứng nhận phân hủy sinh học.

“Nguyên liệu và nền tảng công nghệ là lợi thế để sau này, chúng tôi có thể phát triển thêm các sản phẩm khác”, Diễm My tự tin. Với cô, đó chính là lợi thế cạnh tranh của BioStarch để nhắm đến chinh phục thị trường có quy mô khoảng 80 triệu USD và tiếp tục gia tăng khi doanh nghiệp Việt có thêm cơ hội xuất khẩu nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do.

Diễm My tốt nghiệp ngành tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM); các nhân sự còn lại của BioStarch có kinh nghiệm về tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ nano… Tất cả đều tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn dùng trí tuệ Việt để góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt cũng như góp phần bảo vệ môi trường trong quá trình kinh doanh.

Hiện, sản phẩm túi bảo quản sinh học của BioStarch đang được cung cấp cho một số đối tác như Đà Lạt Foodie, Urban Tiller - đơn vị chuyên phân phối rau quả tại Singapore…

Về dự định trong thời gian tới, Diễm My chia sẻ, bên cạnh việc nghiên cứu phát triển thêm dòng túi chuyên dùng để bảo quản thịt, hải sản…, BioStarch đang huy động đầu tư để bổ sung vốn lưu động và đầu tư máy móc, nhà xưởng, mở rộng quy mô. Khách hàng của BioStarch sẽ không dừng lại ở các doanh nghiệp xuất khẩu, các đơn vị phân phối rau, củ, quả, mà cả người tiêu dùng trong nước cũng có thể mua và sử dụng. Bên cạnh đó, dựa trên phản hồi của khách hàng, BioStarch sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, như sản xuất thêm zipper hay túi bảo quản dạng cuộn tiện dụng hơn.

Phúc Tạ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục