Trận đánh FTA và thế cờ cho doanh nghiệp Việt (bài 2): Không có “hầm trú ẩn” trong cuộc chiến thương mại

Lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 425 tỷ USD vào năm 2017, gấp hơn 3 lần so với mức kỷ lục 140 tỷ USD vào thời điểm 1 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO (năm 2007). Nhưng khi độ mở của nền kinh tế càng lớn, thì ẩn họa từ các biện pháp bảo hộ thương mại mọc lên tua tủa tại những thị trường đối tác càng hiện hữu. Cuộc chơi FTA thực sự là đòn cân não với doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan hoạch định chính sách.
Việt Nam từng chiến thắng trong vụ kiện tôm dai dẳng từ năm 2010 đến 2016 đối với Mỹ. Trong ảnh: Khu nuôi tôm của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T Việt Nam từng chiến thắng trong vụ kiện tôm dai dẳng từ năm 2010 đến 2016 đối với Mỹ. Trong ảnh: Khu nuôi tôm của Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên). Ảnh: Đ.T

Kể từ khi xuất hiện Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU), tiếp đó là sự rút lui của Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì trào lưu bảo hộ nổi lên khá mạnh cùng với những đòn cân não giữa các đối tác thương mại lớn.

Không còn tồn tại bất cứ “hầm trú ẩn” nào trong cuộc chiến thương mại, ngoài sự chung lưng đấu cật một cách chuyên nghiệp giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ. 

Chiến thắng từng có tiền lệ 

Trở lại vụ “trắng án” của Tập đoàn Hoà Phát tại thị trường Australia, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn cho rằng, thành công có được là nhờ sự chủ động phối hợp của Tập đoàn với Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của phái đoàn ADC thẩm tra trực tiếp trong tháng 8/2017.

Đồng thời, Hòa Phát cũng tích cực đưa ra những bản đệ trình phản biện các lập luận của bên nguyên đơn (One Steel) và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh theo yêu cầu của ADC. 

Trong thực tế, việc Việt Nam thắng kiện trong các vụ việc phòng vệ thương mại ở nước ngoài đã có tiền lệ. Ngày 18/7/2016 là một ngày đáng nhớ đối với những người theo đuổi vụ kiện tôm dai dẳng từ năm 2010 của Việt Nam.

Đây là vụ kiện đầu tiên được phía Việt Nam chính thức đưa lên WTO và đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam sử dụng quyền thành viên WTO để kiện Mỹ.  

Cuộc chơi thương mại ngày càng khốc liệt và bất quy tắc, khi hàng loạt nước lớn từng kêu gọi, vận động Việt Nam tham gia hội nhập, giờ lại đi đầu trong bảo hộ thương mại quốc tế

   - ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Với quyết định mới đây của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ ngày 1/8/2015 đến 31/7/2016), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đã nộp đơn kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT).

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP khẳng định, phía Việt Nam đã thuê các luật sư tại Mỹ và họ đang tích cực hoàn tất hồ sơ cho vụ kiện. 

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Godaco, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản) cho rằng, việc doanh nghiệp Việt bị kiện ở thị trường Mỹ đã diễn ra 13 năm nay, nên họ đã ý thức khá rõ về cách đi trong các vụ kiện.

Godaco đã cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng và trả lời đúng hạn các câu hỏi của phía Mỹ. Nếu họ căn cứ vào hồ sơ và số liệu do Công ty cung cấp để làm cơ sở tính mức thuế phá giá như những lần xem xét trước đây, thì Godaco sẽ được hưởng một mức thuế suất rất thấp.  

Có thể nói, cách phối hợp giữa VASEP và doanh nghiệp đang rất hữu ích, nhất là khi VASEP có những giới hạn nhất định bởi chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội, còn doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính, kinh nghiệm, cách làm việc với luật sư nước ngoài. Nhưng điều mà các doanh nghiệp cảm thấy chưa an tâm, đó là vai trò của Bộ Công thương.

“Tại các nước khác, mỗi khi có vụ việc xảy ra, cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mạnh bạo hơn, họ chủ động vận động hành lang. Trong khi đó, ở Việt Nam, động thái này lại không rõ nét, thậm chí phản ứng quá chậm”, ông Đạo nói. 

Cùng quan điểm, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, dù Bộ Công thương đã kiện toàn vai trò quản lý nhà nước khi có Cục Phòng vệ thương mại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại, hội nhập, nhưng cơ quan này cần thêm kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp trong cách thức xử lý. 

Điều này cần hơn bao giờ hết, khi cuộc chơi thương mại toàn cầu vẫn nằm trong vòng xoáy của sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung.

Không chỉ vậy, Mỹ đã khai chiến thương mại với châu Âu, Mexico, Canada khi quyết định đánh 25% thuế quan đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm (có hiệu lực từ ngày 1/6/2018) khiến các nước này đưa ra ngay 3 “vũ khí” để đối phó với Mỹ: kiện lên WTO, tăng thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và một số biện pháp dự phòng.

Đâu là thế cờ của Việt Nam? 

Trong khi chờ phản ứng quyết liệt của Bộ Công thương với quyết định áp thuế thép và nhôm của Mỹ, VSA đang tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp.

Nếu tham vấn và hòa giải về mức thuế mới không thành công, VSA sẽ đệ đơn kiện Mỹ lên WTO, giống như vụ kiện tôm trước kia. 

Xét về tính tuân thủ luật pháp quốc tế, có thể thấy, Mỹ đang thể hiện rằng, sắc thuế mới nêu trên không vi phạm các điều khoản đã cam kết trong WTO.

Quyết định áp thuế, ngoài lý do nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa Mỹ vốn được xem là xương sống của đất nước, theo Tổng thống Donald Trump, còn vì công nghiệp thép và nhôm là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo quy định của WTO, một quốc gia có thể áp thuế khi nhận thấy sự cần thiết của việc phòng vệ thương mại (chống trợ cấp, chống bán phá giá, tự vệ thương mại), hay khi hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng nước sở tại.

Trên thực tế, có một số lý do giúp Việt Nam đàm phán với Mỹ trong lệnh áp thuế với thép và nhôm. Đó là chứng minh rõ ràng về “yếu tố Trung Quốc” trong chuỗi giá trị đầu vào của thép Việt Nam, bác bỏ cáo buộc cho rằng, 90% giá trị thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, cần chứng minh rằng, thép Việt Nam, với thị phần nhỏ và hoàn toàn phục vụ các mục đích dân sự, không ảnh hưởng đến lý do bảo vệ an ninh quốc gia mà Mỹ đưa ra khi áp thuế.

Tuy nhiên, làm thế nào để chứng thực và diễn giải điều này tại tòa, thì cần căn cứ vào nhiều điều kiện thực tế.

“Cuộc chơi thương mại ngày càng khốc liệt và bất quy tắc, khi hàng loạt nước lớn từng kêu gọi, vận động Việt Nam tham gia hội nhập, giờ lại đi đầu trong bảo hộ thương mại quốc tế”, ông Dũng nói. 

Tới thời điểm này, Chính phủ Việt Nam đã 4 lần tiến hành các thủ tục khiếu kiện Mỹ về biện pháp chống bán phá giá tại WTO. Song cần nhắc lại là, việc đệ đơn kiện lên WTO sẽ gây ra nhiều tổn thất về chi phí và mất nhiều thời gian. 

Trong các vụ kiện phòng vệ thương mại trước đó, điểm dễ nhận thấy là việc kháng kiện của một số ngành hàng, doanh nghiệp chưa hiệu quả so với đối thủ nước ngoài.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), mức độ hiểu biết của đa số doanh nghiệp Việt về phòng vệ thương mại còn hạn chế, kinh nghiệm kháng kiện chưa nhiều. Các doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, quyết tâm và chuyên nghiệp khi kháng kiện. 

Một số thiệt hại về thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi dính phải các vụ phòng vệ thương mại:

Mỹ áp thuế với sản phẩm đinh thép năm 2014, giá trị xuất khẩu giảm từ 36 triệu USD xuống 800.000 USD năm 2015.

Thép chịu lực không gỉ bị chịu thuế chống bán phá giá từ Mỹ năm 2013, giá trị xuất khẩu giảm từ 178 triệu USD xuống 87 triệu USD năm 2014 và 81 triệu USD năm 2015. 

Brazil áp thuế chống bán phá giá với lốp xe đạp Việt Nam năm 2012, giá trị xuất khẩu giảm từ 5,7 triệu USD xuống 1,9 triệu USD năm 2013, 650.000 USD năm 2014 và 575.000 USD năm 2015.

Nguồn: Phòng Pháp chế (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương)

Ngoài ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt còn yếu, trong khi chi phí để kháng kiện rất cao và để thành công, có thể phải thuê luật sư tư vấn dày dạn kinh nghiệm từ chính nước khởi xướng điều tra.

Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra trong việc cung cấp tài liệu, số liệu; việc lưu giữ hợp đồng, dữ liệu, hoá đơn chưa đầy đủ, khoa học, hệ thống. Một số doanh nghiệp còn tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ quy trình kháng kiện, trong khi điều này có vai trò quyết định cơ hội thành công.

Tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng sự gia tăng của các FTA song phương và đa phương.

Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước. 

Bên cạnh đó, tính chu kỳ của các nền kinh tế cũng ảnh hưởng đến sự gia tăng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Các chuyên gia pháp lý về thương mại quốc tế đã chỉ ra rằng, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kinh tế.

Khi đó, các ngành sản xuất trong nước bị suy giảm có xu hướng viện đến các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình. 

Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, khi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu ngày càng được mở rộng và liên kết nhiều quốc gia với nhau, các vụ kiện về phòng vệ thương mại cũng phát sinh những xu hướng mới như:

Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước), kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác), kiện đô-mi-nô (nước này kiện được thì nước khác cũng đi kiện), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp). Điều này làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chờ các thành viên “ấn nút” thông qua. CPTPP được kỳ vọng đem lại lợi thế hơn cho Việt Nam trong các cuộc chiến phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, hiệp định này không thể trở thành nơi trú ẩn khi chiến tranh thương mại nổ ra. Tất cả phụ thuộc vào năng lực thích nghi của các doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ, chuyên nghiệp giữa doanh nghiệp, hiệp hội và Chính phủ.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục