Nỗ lực phát triển chuỗi giá trị từ tía tô bản địa
Tham dự Diễn đàn Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong nông nghiệp tổ chức vào giữa tháng 8/2024, tại Hà Nội, Trần Anh Xuân (34 tuổi) gây ấn tượng với bộ trang phục người Mông, cổ đeo vòng bạc trắng, giọng nói chân thành, hồn hậu, nhưng pha chút rụt rè.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Xuân cho biết, chị là người gốc Thái Bình. Từ năm 2017, cả gia đình chuyển hộ khẩu lên xã Tả Phìn, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai. Ba em bé trong gia đình cũng đang theo học tại các trường học của xã.
Tại đây, Xuân cùng một số phụ nữ địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Sapa Secrets, phát triển đa dạng sản phẩm từ cây tía tô bản địa. Xã Tả Phìn sở hữu khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng để cây tía tô cho ra sản lượng tinh dầu với chất lượng cao nhất.
“Tả Phìn nằm ở độ cao 1.450 - 1.500 m so với mực nước biển, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Ví dụ, ở dưới xuôi, phải 3 tấn tía tô mới cho ra 1 lít tinh dầu, thì trên này, chưa đầy 1 tấn đã sản xuất được 1 lít”, Xuân giải thích.
Từ năm 2018, Xuân bắt đầu trồng tía tô với diện tích khoảng 3.000 m2 ở lưng chừng núi tại thôn Sả Xéng. Khi ấy, gia đình, người thân đều không ủng hộ, nhưng chị vẫn quyết tâm làm. Sử dụng kiến thức học được trong Trường đại học Nông nghiệp Việt Nam (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chị tự mình nghiên cứu, phát triển gần 20 dòng sản phẩm từ cây tía tô, như trà túi lọc, cao, tinh dầu, dầu gội, kem dưỡng da, sữa rửa mặt...
“Tôi tự tin mình là người đầu tiên tại Việt Nam phát triển đa dạng sản phẩm từ cây tía tô, trong đó có sản phẩm tinh dầu tía tô. Trước đây, một số đơn vị cũng làm, nhưng mới dừng lại ở nước cất tía tô”, đại diện Sapa Secrets khẳng định.
Giai đoạn Covid-19 bùng phát, tía tô được nhiều khách hàng sử dụng để giảm triệu chứng cảm cúm, mệt mỏi, giảm tải lượng virus… Các sản phẩm từ tía tô của HTX Sapa Secrets làm ra tới đâu, bán hết tới đó. Đây là động lực để HTX nâng diện tích trồng tía tô qua các năm. Đến nay, Sapa Secrets sở hữu vùng trồng tía tô hữu cơ lên tới hơn 30 ha, trong đó 15 ha do các thành viên tự chủ, 15 ha đến từ các hộ nông dân liên kết.
Hiện tại, HTX khai thác 2 loại tía tô chủ lực thuần bản địa Sapa là tía tô tím toàn thân, dùng để làm trà và tía tô có mặt lá trên màu xanh, mặt lá dưới màu tím, để chưng cất tinh dầu. Ngoài ra, chị Xuân đang nghiên cứu giống tía tô xanh với mong muốn chế tạo tinh dầu từ hạt của loại cây này, sản phẩm sẽ cung cấp nhiều omega-3 và có độ thẩm thấu tốt hơn loại tinh dầu tía tô hiện tại.
Hành trình vượt khó
Để về quê khởi nghiệp thành công, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tính toán cẩn thận về dòng tiền kinh doanh. Nông nghiệp không có chỗ cho sự mơ mộng.
- Trần Anh Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Sapa Secrets
Năm 2014, Trần Anh Xuân tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học cây trồng, Trường đại học Nông nghiệp Việt Nam. Chị được nhà trường cử lên Sapa tham gia một dự án nghiên cứu về cây trồng. Từ niềm đam mê với các hệ thực vật, Xuân dành phần lớn thời gian lặn lội đi rừng, tìm hiểu thảo dược. Sau đó, chị quyết định lập nghiệp tại mảnh đất vùng cao, với mong muốn đưa các loại thảo dược được mệnh danh là “bí mật của thiên nhiên Sapa” đến mọi miền đất nước.
Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, Sapa Secrets đã có hơn 100 thành viên liên kết. Hai nhà xưởng sản xuất sản phẩm từ tía tô của HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với thu nhập 7 - 9 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm công nhật cho khoảng 60 phụ nữ, với thu nhập 250.000 đồng/ngày.
Dù được đào tạo bài bản trong ngành nông nghiệp, nhưng Xuân thừa nhận, không thể tránh khỏi khó khăn trên hành trình khởi nghiệp, bởi nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết. Năm nay, Sapa mưa nhiều, gần như không có mùa hè, nên sản lượng tía tô thu hoạch của HTX ước tính giảm tới 70% so với năm 2023. Chị chỉ mong duy trì được doanh thu bằng năm ngoái (khoảng 3,2 tỷ đồng).
Ngoài ra, đại diện HTX cũng mong muốn được địa phương hỗ trợ quỹ đất để mở rộng diện tích nhà máy, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu. Chị kể, năm 2023, có đối tác đặt đơn hàng tinh dầu tía tô trị giá hàng tỷ đồng để xuất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, do mưa nhiều, lượng tía tô dồn dập thu hoạch không kịp sấy khô, nên đơn hàng bị hủy, HTX vừa phải chịu phạt hợp đồng, vừa loay hoay tìm đầu ra cho các sản phẩm dư thừa.
Với dòng sản phẩm trà tía tô, sau nhiều nỗ lực, HTX vẫn chưa được cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, dù vùng nguyên liệu trồng theo hướng hữu cơ, nhà xưởng đã hoàn thiện với các trang thiết bị hiện đại.
Trong lúc chờ khó khăn được giải quyết, Trần Anh Xuân vẫn đang nỗ lực từng ngày. Chị tự học hỏi, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm, tìm hiểu các hình thức bán hàng, phát triển kinh doanh online. Chị đã xây dựng kênh TikTok riêng mang tên “Xuân Tía Tô”, trong đó có nhiều video đạt triệu view trên nền tảng này.
Nhìn lại hành trình 10 năm gắn bó với mảnh đất Sapa, chị Xuân nói rằng, công việc tuy vất vả, nhưng nhiều niềm vui, khi được sống và lao động cùng bà con vùng cao.
Chị muốn nhắn nhủ những người đang muốn bỏ phố về quê để khởi nghiệp rằng: “Ban đầu, ai cũng có niềm tin, đam mê, nhưng sau 3 - 4 năm, nguồn tiền cạn dần, đam mê vơi bớt, nhiều người sẽ nghĩ đến câu chuyện từ bỏ. Để về quê khởi nghiệp thành công, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tính toán cẩn thận về dòng tiền kinh doanh. Nông nghiệp không có chỗ cho sự mơ mộng”.