Hai kế hoạch phát hành trái phiếu gọi vốn của CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) và CTCP Quản lý đầu tư Trí Việt có thể là hai thương vụ đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây công khai hướng tới các NĐT nhỏ lẻ.
Do chi phí vay vốn trái phiếu khá cao gồm lãi suất cao, chi phí bảo lãnh, thu xếp vốn, quản lý tài sản đảm bảo..., các tổ chức phát hành thường đặt mục tiêu vay các khoản lớn từ vài trăm đến vài ngàn tỷ đồng từ một nhóm hạn chế các NĐT, do đó NĐT có khả năng mua thường là các tổ lớn chức như ngân hàng.
Chính vì vậy, việc chào bán trái phiếu hướng đến NĐT cá nhân đại chúng là một cách làm rất khác. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ tương đối bất ngờ. Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp, VCBS cho biết, đến thời điểm này 200 tỷ đồng trái phiếu chào bán đã được đăng ký mua hết, với số lượng trên 50 NĐT. Trung bình, mỗi cá nhân đăng ký mua khoảng 2-5 tỷ đồng.
Đợt phát hành của Trí Việt - với quy mô rất nhỏ chỉ 30 tỷ đồng - chưa khởi động, nhưng nguồn tin của Trí Việt cho biết, qua khảo sát sơ bộ, một số NĐT tỏ ra quan tâm tới đợt phát hành này.
Để thuyết phục được các cá nhân, cả hai công ty đều phải đưa ra lãi suất trái phiếu cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm. Lãi suất của đợt phát hành của VCBS, công ty 100% vốn của Vietcombank, chào bán tại 8,5%/năm cho kỳ thanh toán đầu tiên, cao hơn 2,3%/năm so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng hiện nay của Vietcombank, đối với các kỳ thanh toán sau biên lãi suất là 2%/năm. VCBS thậm chí đưa thêm điều khoản NĐT được đề nghị Công ty mua lại trước hạn trái phiếu sau 6 tháng kể từ ngày phát hành. Với Trí Việt, quy mô hoạt động nhỏ hơn VCBS, nên dự kiến lãi suất trái phiếu lên tới 10,5%/năm.
Việc mở rộng chào bán trái phiếu sang cả khối NĐT cá nhân cho thấy trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được các doanh nghiệp ưa dùng để huy động vốn mới, trong bối cảnh vốn rẻ dồi dào và các ngân hàng vẫn thắt chặt việc cho vay ra để đề phòng nợ xấu. Mức lãi suất nói trên được cho là vẫn đủ đem lại lợi nhuận khá cho các công ty. Đối với trường hợp của VCBS, số tiền này có thể dùng để cho các khách hàng giao dịch cổ phiếu tại công ty vay để giao dịch ký quỹ với lãi suất gần 12,8% năm. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của NĐT cổ phiếu tiếp tục tăng lên cùng với đà tăng của VN - Index.
Cả Trí Việt và VCBS đều phát biểu rằng, mục đích lớn hơn của đợt phát hành là đưa trái phiếu đến với NĐT cá nhân. Ông Quách Mạnh Hào, thành viên HĐQT của Trí Việt trong bài phỏng vấn với ĐTCK đầu tháng này đã nói: “Khi nói tới chứng khoán người ta thường chỉ nghĩ tới thị trường cổ phiếu trong khi trái phiếu là một mảng thị trường lớn tiềm năng nhưng lại bị bỏ ngỏ”.
Theo ông Tống Minh Tuấn, Công ty kỳ vọng thu hút thêm khách hàng qua việc đa dạng hóa danh mục đầu tư từ cổ phiếu sang danh mục kết hợp cả trái phiếu. Ông cho biết thêm, nếu đợt phát hành lần này thành công, Công ty kỳ vọng sẽ thực hiện tiếp một đợt phát hành tương tự với quy mô lớn gấp đôi trong năm sau.
Thực ra, mong muốn đưa loại chứng khoán có thu nhập cố định này đến với các cá nhân không mới. Cách đây gần 2 năm, các quỹ đầu tư dạng mở đầu tiên tại Việt Nam đã nhắm vào thị trường trái phiếu chính phủ với hy vọng kết nối loại chứng khoán cao cấp này với các NĐT cá nhân. Mỗi cá nhân chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng để tham gia đầu tư tại các quỹ này. Tuy nhiên, sự e dè của NĐT đối với cả trái phiếu và quỹ mở khiến cho các quỹ đầu tư này đến nay chưa có biến chuyển gì đáng kể, quy mô của các quỹ vẫn chỉ dao động quanh vài chục tỷ đồng, hoặc cao nhất hơn 100 tỷ đồng.
Đối với NĐT cá nhân, độ an toàn khi mua trái phiếu của các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - có thể khác xa so với gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Bên cạnh đó, khác với khi gửi ngân hàng, việc rút tiền ra khỏi khoản đầu tư trái phiếu trước khi đến hạn là hầu như không thể (trừ khi DN phát hành có điều khoản riêng như trường hợp VCBS), trong khi trái phiếu doanh nghiệp chưa có thị trường giao dịch dễ dàng như cổ phiếu.
Ông Tuấn cho biết, việc phát hành của VCBS có phần thuận lợi hơn, một phần do Công ty trực thuộc Vietcombank, một phần do Công ty có khả năng khai thác các khách hàng hiện tại. “Các NĐT của chúng tôi có thể chuyển đổi rất nhanh và dễ dàng giữa danh mục cổ phiếu và trái phiếu của họ. Nếu muốn, họ có thể cầm cố trái phiếu tại bất kỳ chi nhánh nào của Vietcombank để rút tiền ra mua cổ phiếu”.