8% dư nợ cho vay của ngân hàng chảy vào TPCP
Trước những ý kiến quan ngại về lãi suất huy động TPCP đang cao và có khả năng tăng, dẫn đến cạnh tranh, chèn lấn doanh nghiệp trong huy động vốn, tại cuộc Họp báo chuyên đề về thị trường trái phiếu, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/2, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, khẳng định không có chuyện này.
“Số liệu thống kê của chúng tôi cho thấy, lãi suất huy động TPCP kỳ hạn 5 năm của Kho bạc Nhà nước hiện dưới 6%/năm, trong khi mức lãi suất tốt mà các ngân hàng đang cho doanh nghiệp vay khoảng 7%/năm, nên không có chuyện kênh TPCP đang cạnh tranh với doanh nghiệp trong huy động vốn”, bà Hiền nói.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết, đến cuối năm 2016, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm (tăng từ 23% năm 2015 lên 44,6% trong năm 2016), giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại từ 77% năm 2015 xuống 55,4% trong năm 2016.
Dẫn thêm dữ liệu để chứng minh cho khẳng định này, bà Hiền cho hay, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2016 là 8,5 triệu tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ cho vay là 65% (riêng tổng dư nợ TPCP chỉ là 8%). Điều này cho thấy, TPCP chỉ là một kênh rất nhỏ trong cơ cấu đầu tư của hệ thống ngân hàng thương mại.
Liên quan đến khả năng giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới, đại diện Bộ Tài chính cho biết, điều này phụ thuộc vào chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Việc điều hành lãi suất phát hành TPCP ngoài phụ thuộc vào chính sách tiền tệ, còn phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trên thị trường.
Kích thanh khoản, cách nào?
Tuy hoạt động huy động vốn TPCP thời gian gần đây có những diễn biến tích cực, nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy mô thị trường còn nhỏ, khi kết thúc năm 2016 chỉ chiếm 36,9% GDP; thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển (hết năm 2016 chỉ chiếm 5,27% GDP), các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng...
Để khắc phục tình trạng trên, qua đó thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, bà Hiền cho biết, gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 10/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư 234/2012 hướng dẫn quản lý giao dịch TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/9/2017 sẽ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển sôi động và chuyên nghiệp hơn của thị trường trái phiếu theo khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IFM) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Một trong những giải pháp mới được đưa ra tại Thông tư 10/2017 là Kho bạc Nhà nước vừa là nhà phát hành, vừa mua trái phiếu. Cơ chế này giúp Kho bạc Nhà nước tăng tính hiệu quả trong quản lý ngân quỹ, đồng thời hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Theo quy định hiện hành, hoạt động đầu tư của ngân quỹ khi nhàn rỗi là gửi tiền vào hệ thống ngân hàng hoặc mua TPCP có kỳ hạn (đầu tư trên thị trường trái phiếu với kỳ hạn tối đa 3 tháng, sau đó rút tiền về)...
Cũng liên quan đến cơ chế mới tại Thông tư 10/2017 sắp được triển khai, bà Tạ Thị Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, trên thị trường thứ cấp, Kho bạc Nhà nước sẽ được vay TPCP để bán, đồng thời quy định mới cũng cho phép triển khai nghiệp vụ sell/buy back (giao dịch bán kết hợp mua lại). Các giải pháp mới này nhằm đa dạng hóa nghiệp vụ cho các nhà đầu tư, qua đó tăng thanh khoản thị trường, đáp ứng tốt hơn chuẩn phát triển thị trường theo thông lệ quốc tế.
“Đối với giao dịch vay TPCP để bán, đây là bước đệm ban đầu trước khi UBCK cho phép vay chứng khoán để bán. Thông lệ quốc tế cho thấy, để triển khai nghiệp vụ bán khống chứng khoán, bên bán phải đi vay chứng khoán trước khi bán. Việc thí điểm cơ chế vay TPCP để bán là bước đi thận trọng ban đầu trước khi triển khai đối với các sản phẩm khác, bởi TPCP có tính an toàn cao do nhà đầu tư tham gia chủ yếu là các tổ chức”, bà Bình nói.
Bà Bình cho biết thêm, nghiệp vụ sell/buy back là bộ sản phẩm repo trái phiếu theo chuẩn quốc tế, nên khi triển khai sẽ giúp thị trường phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu hơn.