Trái phiếu Ấn Độ, Indonesia tạo sức hút với nhà đầu tư tổ chức

(ĐTCK) Trái phiếu Ấn Độ, Indonesia, hiện đang giữ mức lãi suất cao nhất trong nhóm các quốc gia châu Á, đang tạo ra lực lượng “người hâm mộ” lớn, khi những nhà đầu tư tổ chức hàng đầu cho biết, họ sẽ tiếp tục mua vào các khoản nợ của 2 quốc gia này.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Trái phiếu được ưa chuộng

Các trái phiếu chính phủ phát hành bằng đồng rupee và rupiah đã thu về 29 tỷ USD trong năm nay, tạo nên kỷ lục mới trong lịch sử, khi ngân hàng trung ương Ấn Độ và Indonesia giảm lãi suất nhằm kích thích lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù giới đầu tư nhận định, Ấn Độ sẽ không tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay, trong khi các nhà kinh tế đưa ra những dự báo nhiều chiều về triển vọng tăng trưởng của cả 2 quốc gia, các hãng đầu tư như Mirae Asset Global Investments Co và Schroder Investment Management Ltd vẫn giữ tâm lý lạc quan với các trái phiếu kể trên.

“Trong môi trường bình ổn trên toàn cầu, với 4 ngân hàng trung ương lớn đang rất cẩn trọng trong việc dần gỡ bỏ các biện pháp tài chính đã được sử dụng tại giai đoạn trước khủng hoảng, giới đầu tư vẫn tiếp tục tìm kiếm mức sinh lợi cao nhất”, Rajeev De Mello, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định khu vực châu Á tại Schroder, hiện đang quản lý khối tài sản trị giá 543 tỷ USD trên toàn cầu cho biết.

Với mức sinh lợi cao gấp khoảng 2 lần so với các trái phiếu tại khu vực, cùng với quá trình cải cách nền kinh tế, các trái phiếu bằng đồng rupee và rupiah vẫn được hâm mộ bậc nhất và mang về khối lượng tiền mặt khổng lồ trong năm nay. Bên cạnh đó, trái phiếu của Hàn Quốc cũng chứng kiến dòng tiền đổ mạnh vào với giá trị khoảng 28,2 tỷ USD, bất chấp những vấn đề của riêng quốc gia này như giá cả tăng trưởng và việc nâng lãi suất.

Dù vậy, gộp chung, trái phiếu của Ấn Độ và Indonesia vẫn đang giữ ngôi đầu, ngay cả khi ngân hàng trung ương các nước phát triển có xu hướng thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất - động thái có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư rời xa khỏi các thị trường mới nổi châu Á.

Thực tế, yếu tố nới lỏng tiền tệ là một trong những lý do tạo ra sức hấp dẫn của Ấn Độ và Indonesia, khi cả 2 quốc gia đều tiến hành hạ lãi suất trong tháng trước, tuy nhiên, các nhà kinh tế học nhận định, các yếu tố tích cực trong quá trình phát triển kinh tế là chìa khóa thu hút các nhà đầu tư như Schroder ở lại các thị trường này.

Phát triển bằng nội lực

Các trái phiếu địa phương tại Ấn Độ là lựa chọn được Mirae Asset Global ưu ái nhất, ngay cả khi bỏ qua yếu tố lãi suất, Kim Jinha, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định toàn cầu của hãng cho biết.

“Rất quan trọng để xác định được điều gì thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường nợ của Ấn Độ. Theo tôi, đó là nền kinh tế quy mô lớn với động lực tăng trưởng tự thân. Ấn Độ đang làm rất tốt và đặc biệt tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có sự trì trệ nhất định giai đoạn này. Chưa kể, Ấn Độ có nền chính trị ổn định, điều mà nhiều quốc gia có trái phiếu lãi suất cao khác không có được”, Kim cho biết.

Theo khảo sát các nhà kinh tế học của Bloomberg, nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng có thể tăng trưởng trên 7% trong quý IV/2017. Trong khi đó, tại Indonesia, việc chính phủ gia tăng chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thuế có thế giúp tăng trưởng GDP ở mức trên 5% trong năm tới, dù mục tiêu tăng trưởng 7% của Tổng thống Joko Widodo hiện đã hơi quá tầm tay.

Chong Jiun Yeh, Giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại UOB Asset
Management Ltd, hiện đang quản lý 23,8 tỷ USD tài sản, cũng đặc biệt ưa chuộng trái phiếu của Ấn Độ và Indonesia.

“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự tiến bộ trong quá trình cải cách của Ấn Độ và Indonesia, khi giới chức 2 quốc gia này chỉ rõ những yếu tố thiếu cân bằng trong nền kinh tế. Tôi đánh giá, thị trường trái phiếu của cả 2 quốc gia sẽ còn nhiều không gian để tăng trưởng”, Chong Jiun Yeh cho biết.

Đồng quan điểm, Eric Stein, đồng giám đốc thu nhập cố định toàn cầu Eaton Vance Corp cho biết: “Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với trái phiếu địa phương Indonesia bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh tại đây. Nguy cơ lớn nhất hiện tại là tốc độ tăng trưởng của Indonesia sẽ không tăng mạnh như các quốc gia khác trong khu vực và các nỗ lực cải cách của ông Jokowi bị ngăn cản”.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục