Saigonbank, PGBank, Bac A Bank, Kienlongbank suy giảm lợi nhuận
6 tháng đầu năm 2019, Saigonbank tăng trưởng tín dụng 3,7%, lãi giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý II/2019, lợi nhuận của Saigonbank đạt hơn 14 tỷ đồng, giảm 24% so quý II/2018. Nguyên nhân là do thu nhập lãi thuần giảm 7%, còn 157 tỷ đồng; các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh, hoạt động khác đều sụt giảm so với cùng kỳ. Dù chi phí hoạt động giảm 9% về 109 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng vẫn báo lãi giảm 24%, còn 14,2 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Saigonbank ghi nhận thu nhập lãi thuần 316 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hoạt động kinh doanh khác trong 2 quý đầu năm cũng sụt giảm, cộng thêm chi phí hoạt động gia tăng 3% khiến lợi nhuận thuần thu về chỉ ở mức 132,6 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do Saigonbank giảm tỷ lệ trích lập dự phòng từ mức 41% cùng kỳ năm 2018 xuống còn 33,3%, tương đương giảm trích lập 33 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn giảm 21%, đạt 88 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Saigonbank ở mức 21.291 tỷ đồng, tăng 4,5%; dư nợ cho vay ở mức 14.181 tỷ đồng, tăng 3,7% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,25%.
Một ngân hàng đang trong quá trình sáp nhập HDBank là PGBank vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019, ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với quý II/2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt 94 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của PGBank giảm 1%, đạt 430 tỷ đồng; lãi từ dịch vụ giảm 19%, xuống còn 16 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 8%, xuống mức 26 tỷ đồng. Ngược lại, Ngân hàng ghi nhận lãi từ hoạt động khác tăng 7 lần so với cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 6,5%, đạt hơn 11 tỷ đồng; tổng thu nhập hoạt động gần 540 tỷ đồng, tăng gần 8%; chi phí hoạt động ở mức 269 tỷ đồng, không tăng so cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng 30%, lên 175 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 5% so với cùng kỳ.
Thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của PGBank là 28.211 tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm; cho vay khách hàng tăng 1,2%, lên 22.080 tỷ đồng; tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 70%, còn 580 tỷ đồng; huy động tiền gửi khách hàng giảm 7,8%, xuống 21.519 tỷ đồng; nợ xấu là 683 tỷ đồng, tăng 29 tỷ đồng so đầu năm; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 2,96% lên 3,06%.
PGBank đã thông qua kế hoạch sáp nhập HDBank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, song đến nay thương vụ này vẫn chưa hoàn tất, dự báo sẽ kết thúc cuối năm nay.
Tại Kienlongbank, Ngân hàng đạt 74 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2019, thấp hơn mức 78 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2018. Với Bac A Bank, lợi nhuận trước thuế quý II/2019 là 191 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
VietBank, Nam A Bank, Bản Việt ghi nhận lãi tăng
VietBank là ngân hàng nhỏ duy nhất ghi nhận sự tăng trưởng tốt về lợi nhuận khi 6 tháng đầu năm 2019 đạt 250 tỷ đồng, tăng 24% so với 6 tháng đầu năm 2018. Theo VietBank, lợi nhuận tăng không chỉ nhờ một số hoạt động tích cực mà còn nhờ giảm trích lập dự phòng tới 84% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 590 tỷ đồng, tăng 8,9%. Hoạt động dịch vụ có lãi gần 13 tỷ đồng, tăng gấp đôi. Lãi từ hoạt động khác tăng hơn 4,5 lần, đạt 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán lần lượt lãi 8 tỷ đồng và 51 tỷ đồng, giảm 32% và 66%.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 721 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 725 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái. Chi phí hoạt động của VietBank tăng 17% lên 450 tỷ đồng, nhưng do chi phí dự phòng giảm 84%, xuống còn 21,5 tỷ đồng, nên đã tác động tích cực đến chỉ tiêu lợi nhuận.
Cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của VietBank tăng 9,5% so với đầu năm, đạt 56.603 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,8 tỷ đồng, đạt 37.242 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,14%; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 7,3%, đạt 42.771 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đưa cổ phiếu của VietBank vào giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán VBB. Ngày giao dịch đầu tiên là 30/7/2019, giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là hơn 419 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ 4.190 tỷ đồng của VietBank.
Tại Nam A Bank, tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản đạt hơn 83.000 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch năm 2019. Huy động từ các tổ chức kinh tế, dân cư và phát hành giấy tờ có giá đạt hơn 66.000 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch năm. Tổng cho vay từ cá nhân và tổ chức kinh tế hoàn thành 100% kế hoạch năm, với tổng dư nợ gần 60.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 442 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành 55% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank được duy trì dưới mức 3% theo quy định Ngân hàng Nhà nước.
Đối với Ngân hàng Bản Việt, lợi nhuận trước thuế quý II/2019 đạt 26 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 48 tỷ đồng. Đóng góp quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Ngân hàng là hoạt động bán lẻ với tổng thu nhập từ hoạt động tăng trưởng ổn định so với năm ngoái. Thu nhập lãi cho vay tăng 26%, thu nhập từ dịch vụ gấp 3 lần cùng kỳ, trong đó đáng chú ý là cho vay cá nhân.