Khởi sắc trong phát triển kinh tế tư nhân
Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, Trà Vinh có 1.517 doanh nghiệp được thành lập, với tổng vốn 18.147 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 25.985 lao động. Theo đó, chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp so với Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI đến nay đạt 67,1%.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 250 doanh nghiệp. Trong đó, 165 công ty TNHH một thành viên, 45 công ty TNHH hai thành viên trở lên, 20 doanh nghiệp tư nhân, 20 công ty cổ phần; 151 đơn vị trực thuộc (119 địa điểm, 25 chi nhánh, 7 văn phòng đại diện); tổng vốn đăng ký 3.949 tỷ đồng, số lao động đăng ký 3.781 người.
Đến nay, toàn tỉnh có 3.466 doanh nghiệp, vốn đầu tư 55.483 tỷ đồng, với 99.139 lao động (2.938 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn 50.255 tỷ đồng, 90.756 lao động), trong đó 44 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, cấp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác cho 497 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, vốn bổ sung 3.342 tỷ đồng.
Đây là kết quả đáng ghi nhận, do Trà Vinh đã tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, ngày 15/8/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 18-CTr/TU để triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Giai đoạn 2017 - 2021, kinh tế tư nhân đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đưa tăng trưởng GRDP của tỉnh lên 8,81%/năm, quy mô kinh tế năm 2021 đạt 63.818 tỷ đồng. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 61,05% GRDP, tăng bình quân 6,87%/năm.
Kết quả trên cho thấy, Trà Vinh đã thực hiện nghiêm và hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW. Theo đó, tỉnh tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ sản xuất và đào tạo phát triển nguồn lực, nâng cao năng suất lao động; thực hiện các chương trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, gắn với phát triển doanh nghiệp theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có Quyết định số 63/QĐ-UBND ban hành Đề án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 - 2022 và định hướng đến năm 2025. Hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh được hình thành và đi vào hoạt động, tạo nơi làm việc cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp sinh hoạt, làm việc, tổ chức các sự kiện, nói chuyện chuyên đề, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh với các hệ sinh thái khởi nghiệp khác. Phong trào khởi nghiệp dần lan tỏa trong cộng đồng, nhận được hàng trăm ý tưởng tham gia cuộc thi về khởi nghiệp, các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho dự án khởi nghiệp được triển khai…, là nguồn động lực để phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Song song đó, tỉnh đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia sâu các chuỗi giá trị ngành hàng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh thu hút 22 dự án đầu tư vào lĩnh vực này, tổng vốn đầu tư 1.026 tỷ đồng và 4 triệu USD.
Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, tuyển sinh, đào tạo nghề bằng nhiều hình thức cho trên 96.162 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,7%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đạt 35,84% năm 2021; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.
Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Trà Vinh đã cụ thể hóa các chủ trương thành các chương trình hành động và đề ra nhiệm vụ, giải pháp gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Theo đó, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được, kinh tế tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tăng nhanh, chuyển dịch đúng hướng, cơ cấu nội ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chuyển dịch theo hướng tích cực, phù hợp với tiềm năng.
Đặc biệt, kinh tế tư nhân phát triển nhanh và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư góp phần giải quyết việc làm mới cho người dân tại địa phương và vùng lân cận, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hướng ra biển, làm giàu từ kinh tế biển
Ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo, để tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế thích ứng với tình hình mới và thế mạnh tiềm năng của tỉnh để phát triển và làm giàu từ kinh tế biển, phát triển doanh nghiệp, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Trà Vinh tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và đầu tư công năm 2023; hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh này cũng tập trung nguồn lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, khơi dậy tinh thần cộng đồng tự lực, tự chủ vươn lên tham gia hoạt động ̣ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025 là 5.000 doanh nghiệp
Trà Vinh tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân: tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 26/3/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Trà Vinh đến năm 2025; Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 26/3/2021 về tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các Chỉ số PAR Index, PAPI, SIPAS giai đoạn 2021 - 2025…
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Trà Vinh thời gian qua. Chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, phát triển hợp tác xã... Đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Định An, Khu công nghiệp Cổ Chiên, Khu công nghiệp Cầu Quan và các cụm công nghiệp
Mục tiêu cụ thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra đến năm 2025 là tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70 - 75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn/năm (trong đó nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn). Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu du lịch biển của tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng của toàn ngành.
Các xã đảo có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi. Các xã ven biển giữ vững nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xây dựng thị xã Duyên Hải đạt các tiêu chí đô thị loại III; thị trấn Cầu Ngang đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các huyện ven biển như Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải sớm đạt tiêu chí huyện nông thôn mới để tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn tỉnh Nông thôn mới trước năm 2025. Hiện tỉnh tập trung thu hút đầu tư, nhất là kinh tế tư nhân, phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500 MW…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, ông Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, để đạt mục tiêu chương trình phát triển kinh tế biển, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, như tập trung rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; phát triển khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, phát triển kinh tế biển và ven biển; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản; phát triển Khu kinh tế Định An, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế và công nghiệp ven biển, các dự án đầu tư trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển.
Tỉnh đang kêu gọi thu hút đầu tư Dự án Xây dựng nhà máy chế biến cá, tôm quy mô 10.000 tấn/năm; Dự án Nhà máy bảo quản chế biến thủy, hải sản quy mô 10.000 tấn/năm; Dự án Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản quy mô 20.000 - 30.000 tấn/năm; Dự án Nuôi tôm nước lợ công nghệ cao quy mô 200 - 300 ha/khu; Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nghêu tại bãi bồi ven biển quy mô 200 - 300 ha/dự án và Dự án hợp liên kết nuôi tôm sinh thái xuất khẩu quy mô 1.000 - 2.000 ha…
Nhằm tiếp tục duy trì hoạt động và phát triển doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, Trà Vinh đề ra 5 giải pháp: nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ sản xuất và đạo tào phát triển nguồn lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân; chú trọng đổi mới chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.