TPP và những sóng gió cuối cùng

Hội nghị Bộ trưởng thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đã khép lại mà không đạt được một thoả thuận kết thúc nào cho TPP. Dù vậy, các bộ trưởng 12 nước TPP đã không ra về trắng tay, bởi tại đây, các nước đã tìm được tiếng nói chung trong phần lớn các vấn đề của TPP.
Một trong những nút chặn với TPP là vấn đề tiếp cận thị trường đối với một số sản phẩm nông nghiệp như đường, sữa... Ảnh: Đức Thanh

TPP lại lỡ hẹn

Cuộc họp báo chung diễn ra vào chiều 31/7, cũng là ngày cuối của Hội nghị Bộ trưởng TPP đã không đưa ra được tuyên bố kết thúc đàm phán TPP. Điều này gây nhiều tiếc nuối, thậm chí thất vọng cho những ai đang trông chờ Hiệp định của thế kỷ 21 này được ký kết trong năm nay.

Đây không phải lần đầu tiên con tàu TPP lỡ hẹn. Tuy nhiên, cái hẹn lần này được mong chờ hơn hết thảy bởi nhiều lý do. Gần nhất là bởi, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được Quốc hội nước này thông qua Quyền đàm phán nhanh - TPA, người ta hy vọng rằng, giờ đây, các nước TPP đã có thể yên tâm tung ra con bài cuối cùng của mình để kết thúc TPP mà không còn phải lo ngại Hiệp định sẽ bị Quốc hội Hoa Kỳ sửa đổi sau khi ký kết. Xa hơn là bởi, sang năm, Hoa Kỳ sẽ bước vào “năm bầu cử Tổng thống” và người Mỹ khi đó có thể không còn lòng dạ nào mà tập trung cho TPP nữa.

Trông chờ là vậy, nhưng sau hơn một tuần đàm phán, kết quả nhận được chỉ là một Tuyên bố chung ngắn ngủi của các bộ trưởng. Trong đó, không có một tuyên bố kết thúc nào dù là kết thúc về cơ bản cho đàm phán, không có một thông tin cụ thể nào, rằng đàm phán đã đi đến đâu và cũng không có một lịch trình cụ thể cho các bước tiếp theo.

Mặc dù vậy, các Bộ trưởng TPP không hẳn đã “trắng tay” sau khi rời khỏi bàn đàm phán, rất nhiều đàm phán song phương đã hoàn thành, rất nhiều vấn đề khó khăn đã được giải quyết. Những thành quả này là tiền đề không thể tốt hơn cho việc kết thúc đàm phán trong một thời gian không lâu nữa.

Vòng đàm phán hiệu quả nhất

Vòng đàm phán lần này không chỉ bao gồm hội nghị của các bộ trưởng trong 4 ngày 28-31/7/2015, các trưởng đoàn đàm phán TPP và các nhóm kỹ thuật cũng đã tham gia đàm phán từ ngày 24/7/2015 để chuẩn bị tích cực cho Hội nghị của các Bộ trưởng.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Thương mại Australia, ông Andrew Robb, trong Thông cáo báo chí ngày 1/8/2015, vòng đàm phán lần này được coi là “hiệu quả nhất từ trước tới nay ở cả cấp Bộ trưởng lẫn cấp kỹ thuật” và “mặc dù không có gì là kết thúc cho tới khi mọi thứ kết thúc, chúng tôi hiện đã đạt được quyết định sơ bộ cho hơn 90% các vấn đề trong TPP”.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Michael Froman, trong một cuộc họp báo cũng phát biểu rằng hội nghị lần này có nhiều tiến triển đáng kể và dẫn chứng vấn đề Chỉ dẫn địa lý như một bước tiến đã đạt được tại đây. Nhiều nguồn tin khác cũng cho hay,  đầu tư, mua sắm công, thương mại điện tử và môi trường vốn là các vấn đề khó khăn cũng đạt được bước tiến lớn tại hội nghị lần này.

Đối với Việt Nam, vòng đàm phán lần này có thể coi là một thành công lớn khi chúng ta kết thúc được đàm phán song phương với tất cả 11 nước còn lại trong TPP, trong đó đặc biệt ý nghĩa khi kết thúc được với Hoa Kỳ - đối tác đàm phán khó khăn nhất của Việt Nam. Trước hội nghị lần này, nhiều thông tin cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc với Hoa Kỳ ở một số vấn đề như Lao động (Công đoàn), mở cửa thị trường hàng hóa (dệt may), mở cửa thị trường dịch vụ (phân phối, viễn thông..).

Những vấn đề khó khăn nhất

Có thể thấy, con đường dẫn tới TPP đã được khai thông tới 9 phần, nhưng lại nghẽn ở phần cuối, với nút cổ chai vốn là các vấn đề “kinh điển” gây nhiều tranh cãi nhất từ trước tới nay, như tiếp cận thị trường đối với ô tô và một số sản phẩm nông nghiệp (đường, sữa); thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với dược phẩm sinh học; cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài…

Về vấn đề tiếp cận thị trường, câu chuyện của ô tô xoay quanh 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong TPP là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay, ngoài vấn đề thuế quan, là quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm này, hàm lượng tỷ lệ nội khối sẽ là bao nhiêu.

Còn đối với sản phẩm sữa, vấn đề trở nên phức tạp khi bản chào mở cửa thị trường đối với sản phẩm này của Canada không thoả mãn yêu cầu của Hoa Kỳ, Australia và New Zealand, dẫn tới việc Hoa Kỳ rút lại bản chào trước đó về sữa cho Australia, còn New Zealand vẫn liên tục phàn nàn về việc cả 3 nước trên không nhân nhượng cho sản phẩm sữa của họ.

Australia thì vẫn kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải tăng thêm hạn ngạch cho các sản phẩm đường của nước này, coi đây là vấn đề “sống còn” của họ, nếu Hoa Kỳ muốn họ chấp thuận các vấn đề khác như Cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư (ISDS) hay thời hạn bảo hộ độc quyền dữ dược phẩm sinh học.

Còn về bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các dược phẩm sinh học, Hoa Kỳ vẫn kiên trì với đề xuất thời hạn bảo hộ độc quyền dữ liệu là 12 năm, trong khi nhiều nước khác phản đối, vì cho rằng, thời hạn này là quá dài (chẳng hạn như theo luật hiện hành của Australia, thời hạn này chỉ là 5 năm).

Tương lai TPP và những nhắn nhủ cùng doanh nghiệp

Đây không phải lần đầu tiên mục tiêu kết thúc TPP bị bỏ lỡ. Chúng ta cũng đã từng hy vọng, rồi thất vọng rất nhiều lần cho các mục tiêu kết thúc TPP vào cuối những năm 2012, 2013, 2014 không đạt được.Vì vậy, TPP không đạt được lần này không có nghĩa là đàm phán đã sụp đổ.

Ngược lại, những kết quả đáng kể đạt được từ vòng đàm phán này sẽ là tiền đề quan trọng để kết thúc được TPP trong thời gian tới.

Với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trông chờ vào các cơ hội từ TPP đem lại, thì việc chưa đạt được thỏa thuận lần này có thể không tác động trực tiếp, nhưng sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới tâm lý, cũng như hành động của doanh nghiệp.

Có thể một số doanh nghiệp đang gấp rút mở rộng đầu tư, chuyển đổi sản xuất để đón đầu TPP sẽ lơi lỏng lịch trình. Có thể một số doanh nghiệp đang lên kế hoạch chuẩn bị cho các cơ hội và thách thức sắp tới giờ lại lừng khừng dừng lại để chờ đợi. Và có thể, với đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có động thái trước TPP, sẽ lại tiếp tục ngồi yên trông ngóng tình hình.

Nhưng việc TPP được ký kết có thể sẽ chỉ là trong một thời gian rất ngắn nữa, trong khi sự chuẩn bị luôn cần một khoảng thời gian rất dài. Vì vậy, với một hiệp định đặc biệt lớn và có khả năng tác động vô cùng lớn như TPP, dù có kết thúc chậm trễ một vài tháng, thì ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải chuẩn bị các chiến lược kinh doanh cho mình mới có thể kịp thời tận dụng các cơ hội và hạn chế các thách thức từ TPP khi Hiệp định có hiệu lực.


baodautu.vn/Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục