TPP, thị trường M&A sẽ bùng nổ

(ĐTCK) “Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng tìm đến các DN hoạt động trong các lĩnh vực được hưởng lợi từ TPP. Thị trường M&A Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới”. Đó là nhận định của ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt (BVSC).
TPP, thị trường M&A sẽ bùng nổ

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán trong sự đồng thuận của 12 quốc gia thành viên. Với việc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ, TPP được đánh giá sẽ tạo ra cú hích lớn đối với nền kinh tế các nước trong khối. Ông đánh giá thế nào về tác động của TPP đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng?

Thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán trên vẫn cần được quốc hội các nước thông qua và dự kiến khó có thể được hoàn tất trước quý II/2016. Ngay cả khi chính thức được ký kết, tác động của TPP đến hoạt động sản xuất - kinh doanh các DN cũng sẽ có độ trễ. Nhưng trong dài hạn, theo báo cáo của một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều đột phá sau khi gia nhập TPP do thị trường xuất khẩu được mở rộng.

Theo tôi, TPP sẽ tác động đến các DN Việt Nam cả về mặt tích cực và tiêu cực tùy vào mỗi ngành nghề cụ thể. Các DN hưởng lợi trực tiếp chủ yếu là các DN xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy hải sản, gỗ... Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là mức thuế hiện tại đối với thủy sản chưa chế biến và gỗ của Việt Nam đến các thị trường chủ chốt như Mỹ, Úc, New Zealand gần như bằng 0, nên việc tham gia TPP thực chất không tác động quá nhiều đối với nhóm ngành này, trong khi các hàng rào mang tính kỹ thuật ngoài TPP như thuế chống bán phá giá mới là vấn đề thực sự.

Tương tự, đối với ngành dệt may, mặc dù thuế suất về 0% là lợi thế rất lớn, nhưng với những rào cản về lao động, xuất xứ nguyên liệu..., DN Việt chưa chắc đã được hưởng lợi từ TPP. Ngoài ra, các DN hưởng lợi gián tiếp nhờ nhu cầu tăng cao bao gồm vận tải, cảng biển, khu công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, trong khi đó các DN sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa như mía đường, lương thực, thực phẩm, chăn nuôi... sẽ gặp nhiều áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu tại các quốc gia thành viên TPP với năng suất lao động cao, giá thành sản xuất thấp hơn đáng kể.

Đối với diễn biến của TTCK, sau giai đoạn sụt giảm và đi ngang tích lũy trong hơn 2 tháng qua, thị trường đang đứng trước cơ hội để bứt phá khi được hỗ trợ bởi thông tin tích cực liên quan đến hoàn tất đàm phán TPP. Tuy nhiên, yếu tố “kỳ vọng” về TPP sẽ khó đủ sức tiếp tục giúp thị trường tạo dựng được một nhịp tăng trưởng mạnh khi mà đã được phản ánh khá nhiều vào diễn biến giá cổ phiếu trong hơn 2 năm trở lại đây. Những tác động thực chất của TPP đến kết quả kinh doanh của DN sẽ có độ trễ, mang tính hỗ trợ trong dài hạn cho diễn biến giá cổ phiếu. 

Có ý kiến dự báo, với việc Chính phủ nới rộng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài trên TTCK, dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào TTCK Việt Nam để M&A những ngành, DN được hưởng lợi từ TPP. Là CTCK phát triển mạnh mảng hoạt động tư vấn đầu tư, M&A, BVSC nhận định thế nào về xu hướng thị trường M&A trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, việc đàm phán thành công TTP sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường M&A, đặc biệt là các ngành Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ TPP như dệt may, da giày, thuỷ sản, đồ gỗ, cảng biển, logistics… Hiện Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản khuyến khích sự tham gia của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam, do đó, với các kỳ vọng và tác động từ TPP, dòng vốn nước ngoài sẽ có xu hướng tìm đến các DN đang hoạt động trong các lĩnh vực này.

Tuy nhiên, không vì thế mà M&A với các DN gặp phải thách thức khi gia nhập TPP như ngân hàng, bảo hiểm, phân phối, bán lẻ… lại kém phần sôi động, bởi M&A vẫn là cách thức nhanh nhất để chiếm lĩnh được thị phần và mạng lưới hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 - 2020, Việt Nam sẽ cổ phần hóa thêm khoảng 400 DNNN nữa, trong đó có nhiều tập đoàn, tổng công ty rất lớn thuộc các ngành cà phê, thuốc lá, cao su, giấy, xi măng…, với chính sách khuyến khích của Chính phủ, các NĐT nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội và lựa chọn hơn để thực hiện đầu tư M&A tại Việt Nam. Thị trường M&A đang hứa hẹn nhiều cơ hội bùng nổ trong thời gian tới. 

Xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch được xem là chìa khóa thành công của DN, yêu cầu minh bạch ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. BVSC vừa được vinh danh trong Top 30 DN niêm yết minh bạch nhất của HNX và được nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt 2015. Ông có thể chia sẻ về triết lý minh bạch và phát triển bền vững của BVSC?

Là CTCK tiêu biểu trên thị trường, BVSC luôn ý thức vai trò và trách nhiệm của mình đối với hoạt động công bố thông tin, minh bạch để phát triển bền vững. Tới nay, Công ty đã xây dựng được một hệ thống quản trị công bố thông tin nhằm hướng tới mục tiêu minh bạch - chuẩn mực trên cơ sở tuân thủ quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52/2012 của Bộ Tài chính và quy chế của các sở GDCK cũng như tham khảo vận dụng các chuẩn mực về quản trị công ty từ IFC.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp HNX tổ chức Chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch đối với các DN niêm yết tại HNX thì cũng là năm thứ ba liên tiếp BVSC được trao giải thưởng “TOP 30 DN niêm yết minh bạch nhất”. Có thể nói, giải thưởng là sự ghi nhận và đánh giá công bằng về những nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị DN, minh bạch thông tin nhằm thúc đẩy sự phát triển của TTCK của các DN niêm yết nói chung và BVSC nói riêng.

Vừa qua, BVSC cũng được trao giải thưởng Sao Vàng đất Việt 2015. Đây là giải thưởng uy tín nhằm tôn vinh DN và thương hiệu Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Chúng tôi rất tự hào là CTCK duy nhất trên thị trường đón nhận giải thưởng này.

Hằng Phương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục