UBND TP.HCM vừa có báo cáo chi tiết về tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 và quý I/2023. Theo đó, ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản là một trong những ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố có mức tăng trưởng âm.
Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,60% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp giảm 0,85%, xây dựng giảm 19,80%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 2,07%; thuế sản phẩm tăng 1,14%.
Bên cạnh đó, có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm là: Vận tải kho bãi giảm 0,63 %, thông tin và truyền thông giảm 2,70%, kinh doanh bất động sản giảm 16,20%, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.
Trong 3 tháng đầu năm, có 280 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh bất động sản với vốn đăng ký đạt 6.472,6 tỷ đồng, giảm 82,8 %.
Do hoạt động bất động sản, ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch nên mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, lượng khách quốc tế đến Thành phố không nhiều.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 3 ước đạt 24.167 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tháng trước chủ yếu do 2 hoạt động kinh doanh bất động sản và vui chơi giải trí giảm mạnh tương ứng -13,1% và -9,1%.
So với cùng kỳ giảm 17,5%, trong đó ngành kinh doanh bất động sản giảm 17,8%. Cộng dồn 3 tháng ước đạt 74.913 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ, trong đó kinh doanh bất động sản giảm 10,1%, hoạt động vui chơi giải trí giảm 15,6%.
Để giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước, UBND TP.HCM sẽ tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Trước mắt, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng: Dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thành phố đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào Thành phố.
Tiếp đến là tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả; xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường. Đặc biệt xu hướng xuất, nhập khẩu tại các thị trường lớn của Thành phố; giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản…