TP.HCM "trảm" hơn 700 dự án treo

717 dự án đã bị UBND TP.HCM ra quyết định xử lý do triển khai quá chậm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và lãng phí nguồn lực đất đai.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa treo hơn 26 năm.
Đó là thông tin được lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo công bố về các dự án không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện trên địa bàn TP.

Hủy bỏ các dự án không thực hiện

Theo Sở TN-MT, từ năm 2010 - 2018, TP đã rà soát 4.082 dự án và đến nay đã thu hồi, xử lý 717 dự án chậm triển khai. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 - 2015 TP rà soát hơn 1.200 dự án thì thu hồi hơn 537 dự án. Giai đoạn từ 2015 - 2018 rà soát 2.882 dự án, trong đó thu hồi 180 dự án không thực hiện. Đây là các dự án bị thu hồi do vi phạm những quy định của pháp luật.
Sở TN-MT cho biết đến nay các khu đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất để kêu gọi đầu tư theo luật Đấu thầu vẫn chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác.
Một số dự án thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn quận trung tâm, không có khả năng thực hiện do thiếu vốn, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Năm 2015 luật Đầu tư công có hiệu lực nên UBND các quận huyện đăng ký các dự án đầu tư công vào kế hoạch sử dụng đất khi chỉ mới được ghi vốn để nghiên cứu lập dự án.
Đến nay do ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cấp bách trọng điểm nên nhiều dự án không có khả năng thực hiện. Đối với một số dự án sử dụng vốn khác, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện dự án hoặc thiếu nguồn lực, vốn, kinh nghiệm triển khai.
Chính vì vậy, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP trình HĐND TP điều chỉnh, hủy bỏ các dự án cần thu hồi đất đã được thông qua tại các nghị quyết. Ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Đồng thời công khai, công bố danh sách các dự án không thực hiện, đã thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Người dân được phục hồi quyền hạn

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN-MT, khi xem xét dự án cụ thể, TP sẽ căn cứ vào quy mô, quy hoạch, pháp lý dự án... để thu hồi hay giữ lại. Như dự án Sing Việt bị người dân khiếu nại vì quy hoạch treo mấy chục năm nay.
Tuy nhiên, đến ngày 31.8 chủ đầu tư đã chuyển kinh phí bồi thường về UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) để bồi thường số hộ dân còn lại nên không thể thu hồi. Hay khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) không thể thu hồi vì hiện nay TP đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, làm dự án lại từ đầu dù dự án này đã treo hơn 26 năm.
Khi xem xét dự án để đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, UBND TP cũng đã cân nhắc rất kỹ việc điều chỉnh, hủy bỏ. TP cũng đã xác định vì tính chất quan trọng của một số dự án, nên không thể không triển khai.
Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, TP cũng đang nghiên cứu thay đổi phương pháp thực hiện. Chẳng hạn, chia thành các gói bồi thường riêng, xây lắp riêng. Hoặc một số dự án có quy mô lớn thì có thể chia nhỏ dự án.
Cũng theo ông Thắng, việc quy hoạch các dự án là cần thiết trong quá trình phát triển đô thị. Dù vậy nhiều chủ đầu tư đã được phê duyệt dự án nhưng không thực hiện mà ngâm để chạy chủ trương, chạy quy hoạch, chạy chỉ tiêu nên buộc phải thu hồi.
Khi thu hồi các dự án này, nếu đất đã bồi thường rồi, doanh nghiệp có quyền của mình. Đối với phần đất chưa bồi thường của người dân, người dân sẽ được phục hồi các quyền của mình trong quá trình sử dụng đất như: mua bán, xây dựng, làm giấy chứng nhận...
Khi dự án bị thu hồi, chủ đầu tư muốn làm lại dự án, TP sẽ xem xét lại hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật. Nếu doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục đầu tư thì sẽ phải làm lại thủ tục pháp lý từ đầu và phải chứng minh được đủ điều kiện thì mới được xem xét đưa vào kế hoạch sử dụng đất để tổ chức thực hiện trong những năm tới. Tất nhiên, không phải trong năm 2018.


Theo Thanhnien

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục