TP.HCM: Xử lý nghiêm dự án treo, tổ chức đấu giá đất

(ĐTCK) Trong suốt một thời gian dài, các dự án treo tại TP.HCM làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, làm chậm quá trình phát triển kinh tế Thành phố cũng như gây lãng phí nguồn lực đất đai. Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, chính quyền quyết định mạnh tay hơn nữa để xóa dự án treo.
Các dự án treo không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm xấu bộ mặt đô thị. Ảnh: Lê Toàn Các dự án treo không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn làm xấu bộ mặt đô thị. Ảnh: Lê Toàn

Xóa mãi không hết dự án treo

Theo số liệu thống kê vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố, trên địa bàn có tới 1.300 dự án đang bị treo. Đây là những dự án được cấp phép từ lâu và quá hạn triển khai, nhưng chủ đầu tư vẫn không tiến hành xây dựng. Đa phần những dự án treo này là các dự án như trường học, công viên, bất động sản…

Thực tế, ngay từ năm 2014, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM đã tổ chức những đợt xóa sổ dự án treo đầu tiên bằng việc xử lý thu hồi, hủy bỏ 536 dự án chậm triển khai với diện tích hơn 5.300 ha (trong đó, có 469 dự án chấp thuận địa điểm đầu tư và 67 dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất).

Đặc biệt, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, các quận, huyện đã liên tục xóa thêm những dự án treo. Đơn cử, quận 12 vừa đưa ra thông báo hủy bỏ 11 dự án chưa thực hiện, hoặc mới bồi thường dưới 50%.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND quận 12 báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM mới đây. Cụ thể, ông Đức cho biết, trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quận đã chủ động rà soát pháp lý, tính khả thi của từng dự án để đưa vào danh mục các dự án cần thu hồi, giao thuê đất; mạnh dạn loại bỏ các dự án không khả thi ra khỏi danh mục thực hiện trong kế hoạch.

Trong đó, quận đã kiến nghị và được UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận thu hồi, hủy bỏ 11 dự án chưa thực hiện, hoặc bồi thường dưới 50% như dự án khu nhà ở Thới An 2, 3, 4 do Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư, khu nhà ở An Phú Đông 5 do Công ty TNHH Đệ Tam làm chủ đầu tư...

Nhờ đó, trên địa bàn quận, các dự án mới triển khai không còn tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân và bộ mặt đô thị.

 TP.HCM còn 1.300 dự án treo cần xử lý.   Ảnh: Gia Huy

Huyện Nhà Bè được cho là huyện có nhiều dự án treo nhất với 85 dự án, gây ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân. Trước tình trạng này, ông Võ Thành Khả, Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, việc quy hoạch là định hướng, tuy nhiên để thực hiện quy hoạch chúng ta đang khó khăn về nguồn vốn cũng như chưa xác định được lộ trình thực hiện.

Do đó, nhiều vùng quy hoạch chậm triển khai, gây bức xúc cho người dân và gây lãng phí nguồn lực về đất đai. Nhiều dự án thực hiện theo cơ chế doanh nghiệp tự thỏa thuận quỹ đất với người dân bị “nghẽn” do vướng công tác bồi thường, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, diện tích bồi thường đạt trên 90%, phần còn lại doanh nghiệp và người dân không thỏa thuận được cũng không thể triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng chung đến việc khai thác hiệu quả tiềm lực đất đai cho phát triển của huyện.

Được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới dự án treo, như khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung ở câu chuyện đền bù giải tỏa giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân. Nguồn vốn dành cho phát triển nhiều dự án trọng điểm đã có quy hoạch từ lâu của TP.HCM thì đang khó khăn… Còn phía doanh nghiệp thì được cấp phép thực hiện dự án nhưng “ôm dự án” không thực hiện với mục đích chào bán kiếm lời.

Câu chuyện doanh nghiệp khư khư giữ dự án để chờ cơ hội bán lại đang là vấn nạn lớn. Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong mới đây cho biết, TP.HCM hiện có rất nhiều trường hợp khi giao dự án thì chuyển nhượng hết người này sang người khác để ăn chênh lệch giá. Thành phố đã và đang xử lý rất cương quyết và vừa rồi đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra một số dự án.

“Không thể chấp nhận như vậy được, đó không phải là doanh nghiệp chân chính. Thành phố giao đất để triển khai dự án, nếu không có điều kiện triển khai thì trả lại cho Thành phố. Chúng ta sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức để hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả, nhưng không chấp nhận những doanh nghiệp làm ăn không đúng quy định pháp luật”, ông Phong nói.

Khó xóa nhưng vẫn quyết làm

Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc xóa dự án treo hiện là việc rất khó của Thành phố nhưng không thể thấy khó mà không làm, bởi mới đây, UBND TP.HCM đã công bố Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Để thực hiện rốt ráo việc xóa dự án treo, ông Phong cho biết, đầu tiên Thành phố sẽ công khai minh bạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP.HCM đến công chúng và các doanh nghiệp.

Các dự án sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 và tất cả các dự án có bồi thường phải công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư. Nơi mà có đất thu hồi thì tại nơi tái định cư với trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định phải để cho người dân giám sát, cùng nhau thực hiện.

Việc công khai này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, để từ đó đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất trong khu vực, giúp cho các cơ quan quản lý theo dõi tiến độ thực hiện dự án hàng năm, phát hiện và ngăn chặn xử lý những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích… 

Đối với việc xử lý các dự án đã được ghi trong quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, Thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá lại tình hình thực hiện các năm từ 2016 - 2018. Theo đó, tất cả những dự án đã giao có triển khai hay không, nếu không thì thu hồi, như huyện Nhà Bè có 87 dự án nhưng có tới 85 dự án nhận xong rồi để đó.

Ông Phong cho biết, UBND Thành phố đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác rà soát, trước hết là tại Nhà Bè, sau đó là tất cả các quận, huyện khác. Giao đất cho doanh nghiệp triển khai dự án, theo quy hoạch đã công bố cho người dân là rất rõ ràng nhưng cứ để kéo dài là không thể chấp nhận được. Do đó, các dự án trong quy hoạch đã ghi vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại quận, huyện đã được công bố 3 năm, từ năm 2016 đến nay mà không thực hiện thì hủy bỏ dự án, sau đó giải quyết quyền lợi cho người dân trong khu vực.

Các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chậm đưa vào sử dụng thì chủ đầu tư phải có văn bản gia hạn thời gian thực hiện 24 tháng theo quy định, đồng thời chuyển cơ quan thuế thu nghĩa vụ tài chính; trường hợp không có văn bản đề nghị gia hạn, hoặc sau khi gia hạn 24 tháng mà không đưa vào sử dụng thì thu hồi. Nếu không kiên quyết thì kế hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 80 của Chính phủ sẽ không có hiệu quả.

Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất, Chủ tịch TP.HCM cho biết, căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hàng năm, giao Công ty Đầu tư tài chính Thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để tổ chức bồi thường tạo quỹ đất, trên cơ sở đất sạch thì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

“Thực tế cho thấy, khi triển khai đấu giá đất sạch sẽ thu ngân sách rất lớn, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Đối với quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý - đất công, tổ chức rà soát đưa vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì công bố công khai thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất nhằm nâng cao giá trị các khu đất, góp vào nguồn thu ngân sách Thành phố.

Các dự án được giao đất sử dụng không đúng mục đích, căn cứ vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thực hiện thu hồi đấu giá công khai minh bạch, giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính thống kê lại để có giải pháp xử lý”, ông Phong nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com  

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục