Theo Thành uỷ TP.HCM, Sở Công thương Thành phố vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện; đơn vị quản lý chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM về tăng cường các kênh bổ trợ cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.
Theo đó, Sở Công thương đề nghị UBND Thành phố Thủ Đức, các quận, huyện nhanh chóng triển khai thực hiện các giải pháp.
Cụ thể, đối với các điểm bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động đã tổ chức để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương tiếp tục phối hợp với Ban tổ chức bán hàng lưu động hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm bán thực phẩm trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi để các xe vận chuyển, giao hàng tại các điểm bán.
Đồng thời, tổ chức treo băng rôn, tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các địa điểm, thời gian bán hàng bình ổn lưu động trên địa bàn biết và đến mua sắm.
Ngoài ra, cần bố trí lực lượng phối hợp kiểm tra, giám sát tại các điểm bán hàng lưu động để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân tại khu vực và thực hiện các biện pháp an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế.
Website giới thiệu các trang web bán thực phẩm, rau củ quả, trái cây, gạo sữa... và các nhu cầu thiết yếu phòng dịch của Sở Công thương TP.HCM. |
Mặt khác, tiếp tục triển khai, thông tin đến các đơn vị, cá nhân trên địa bàn các trang thông tin bán hàng trực tuyến do Sở Công thương đang vận hành để kết nối, giới thiệu thêm nguồn cung hàng hóa.
Như vậy, sẽ phục vụ nhu cầu tìm kiếm, mua các sản phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu với mức giá được niêm yết công khai và kết nối giữa bên mua và bên bán trong việc trao đổi mua bán hàng hóa.
Cụ thể, hiện Sở Công thương TP.HCM đang vận hành website giới thiệu hàng hóa của hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố, cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, thực phẩm tươi sống.
Khi người dân truy cập vào banner trên website chính sẽ được dẫn về website doanh nghiệp để trực tiếp lựa chọn sản phẩm và giao dịch.
Hiện nay, trang thông tin đã giới thiệu, kết nối với 130 website doanh nghiệp cung ứng hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, thông qua website kết nối cung cầu, các bên mua và bán có thể thuận tiện hơn trong trao đổi mua bán hàng hóa, chủ động tìm kiếm, kết nối với các đối tác tiềm năng trên hệ thống.
Về việc gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn, Sở Công thương khuyến khích tiểu thương tại các chợ truyền thống triển khai đa dạng các hình thức bán hàng trực tiếp, trực tuyến, bán hàng qua zalo, Facebook… để cung ứng các hàng hóa đến người dân trên địa bàn.
Qua 01 tuần thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, TP.HCM nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các trường hợp phát hiện trong các khu vực phong tỏa, cách ly và qua khám sàng lọc tại cơ sở khám chữa bệnh.
Đồng thời, ghi nhận cộng đồng đã tích cực thực hiện yêu cầu trong giãn cách xã hội, tuy nhiên còn 1 số nơi chưa hoàn toàn nghiêm túc, còn tình trạng tụ tập đông người.
Để đảm bảo khống chế hiệu quả dịch bệnh trong tình hình như hiện nay, cần phải tiếp tục duy trì, đảm bảo nghiêm ngặt giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.
Các đơn vị phân phối trên địa bàn TP.HCM đang nỗ lực tổ chức các điểm bán hàng lưu động (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn). |
Trong đó, tập trung kiểm soát các khu vực chợ truyền thống, siêu thị nếu không đảm bảo an toàn phòng dịch cũng phải ngưng hoạt động mua bán trực tiếp, chuyển sang các hình thức cung ứng, phân phối khác hạn chế sự tiếp xúc.
Giám sát, kiểm tra trong khu vực phong tỏa đảm bảo cách ly y tế tuyệt đối giữa nhà với nhà, người với người; Giám sát chặt việc tuân thủ của người cách ly tại nhà, đặc biệt là các trường hợp F1, thí điểm cho phép cách ly tại nhà, chỉ thực hiện nếu kiểm tra xác nhận đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để phân bố trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý nhằm đảm hà vận hành hiệu quả trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tăng cường độ bao phủ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng, tổ chức tiêm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong giai đoạn giãn cách xã hội và không ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác chống dịch, đảm bảo nguồn lực y tế để tổ chức tiêm vắc xin đợt 5 với 930.2700 liều do Bộ Y tế phân bổ,...