TP.HCM: Quyết tâm lập lại trật tự xây dựng

(ĐTCK) Ngày 30/7, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến tới 25 điểm cầu ở các quận, huyện về "Xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố".
TP.HCM: Quyết tâm lập lại trật tự xây dựng

Báo cáo về thực trạng chung, ông Lê Trần Kiên – Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn Thành phố là 2.573 trường hợp, chiếm tỉ lệ 73,5% trên tổng số công trình xây dựng không phép; chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn Thành phố.

Các hành vi vi phạm phổ biến trong trường hợp này là xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố là do quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc như tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình dân số cơ học tăng cao, nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội chậm.

Trong khi đó, luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Đồng thời, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm, để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, chưa chủ động đấu tranh, tuyên truyền, vận động, phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân một số quận, huyện chưa đánh giá đúng thực trạng, chưa phân tích, dự báo tình hình dẫn đến phát sinh các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng; Trình độ năng lực chuyên môn của công chức làm công tác quản lý Nhà nước về xây dựng trên địa bàn Thành phố chưa đồng đều...

Tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Lâm Tuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn nêu thêm về sự biến tướng trong vi phạm như giấy phép xây dựng xin làm nhà ở riêng lẻ nhưng khi xây dựng thì biến thành nhà xưởng hoặc trổ cửa thành “nhà 3 chung”.

“Công tác cưỡng chế công trình xây dựng sai phép gặp khó khăn”, bà Tuyền phân trần và giải thích, UBND các xã cho rằng, việc tháo dỡ hạng mục sai phép không khó. Thế nhưng, việc buộc các chủ đầu tư xây dựng đúng như giấy phép xây dựng hay bít các cửa tự trổ thêm thì rất khó.

Do đó, đại diện UBND huyện Hóc Môn kiến nghị bàn giao Đội Thanh tra địa bàn về Ủy ban nhân dân quận - huyện quản lý nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cùng đó, kiến nghị biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn còn đề xuất không cấp phép kinh doanh tại các công trình vi phạm xây dựng.

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND Huyện Bình Chánh cho rằng, hiện tại, một số cán bộ, công chức được phân công quản lý trật tự xây dựng chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, chậm phát hiện, đề xuất xử lý không kiên quyết, không triệt để. Hệ quả là nhiều công trình vi phạm xây dựng không hoặc chưa được phát hiện xử lý kịp thời, gây khó khăn trong cưỡng chế  công trình vi phạm.

Đại diện UBND huyện Bình Chánh kiến nghị, Sở Tài chính sớm tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét nguồn kinh phí thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng tại Công văn số 1412/UBND ngày 25/3/2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Bởi hiện nay, chi phí thực hiện cưỡng chế phải thu hồi từ các đối tượng bị cưỡng chế, nhưng việc truy thu rất khó khăn vì các đối tượng đã đi nơi khác.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét sớm thu hồi các Dự án đầu tư không thực hiện, chậm triển khai thực hiện hoặc không thực hiện đúng theo tiến độ cam kết hoặc chủ đầu tư không có năng lực tổ chức thực hiện Dự án, đề xuất tổ chức đấu thầu giao lại Dự án đầu tư cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự, có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án; Có chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư các Dự án theo quy hoạch được duyệt, nhất là các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, số vụ xây dựng sai phạm trong 6 tháng 2019 đã tăng lên 8,5 vụ/ngày. Điều này chứng tỏ xu hướng xây dựng sai phạm đang tăng lên và mức độ thì mỗi nơi một khác. Như vậy, quy luật tồn tại của việc xây dựng trái phép là gì? Tại sao xây dựng sai phép và trái phép vẫn luôn tồn tại.

Quy luật ở đây là bởi việc tồn tại đó có lợi cho một số đối tượng, về mặt hình thức, những đối tượng có lợi ở đây là “cò”, là người dân thuê ở đó. Họ biết là xây dựng trái phép nhưng nhu cầu cần có nhà nên chấp nhận. Đối với các cán bộ công chức, nếu không xử lý thì cũng chẳng làm sao nên vẫn để tồn tại...

Như vậy, từ nay trở đi, những công trình xây sai phép hoặc không phép, phải xử lý ngay khi phát hiện bằng cách thông qua người dân, lực lượng trinh sát, và có cơ chế phối hợp; đồng thời, có hướng dẫn, cơ chế để có nhiều nhà cho người dân, tạo cơ hội nhà ở nhiều mức cho người có nhu cầu… Thậm chí, cần phối hợp với ngành điện và nước để ký hợp đồng đúng quy định của pháp luật, không tiếp tay cho những trường hợp xây dựng sai phép.

“Chúng ta cần phải tính toán làm thế nào để những người vi phạm pháp luật phải bất lợi chứ không phải đang có lợi như hiện nay. Như vậy, phải làm thế nào để những cán bộ không làm tốt nhiệm vụ phải bị xử lý, thậm chí, những người xây dựng hay các đầu nậu liên quan đến xây dựng trái phép cũng phải bị xử lý”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Sở Xây dựng đưa ra 7 nhóm giải pháp thực hiện để lập lại  trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, đó là:

Hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp Giấy phép xây dựng;

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của công chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng;

Nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm;

Tăng cường quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng;

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn Thành phố;

Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, trong đó phấn đấu hoàn thành 20.000 nhà ở xã hội năm 2020. 

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục