PGS. Ngô Hướng, Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng: "Trước hết phải trở thành trung tâm thương mại khu vực và thế giới"
Để trở thành trung tâm tài chính, việc đầu tiên thành phố nên làm là xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, trước hết là sàn giao dịch cho các hàng hóa nội địa như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, các mặt hàng thủy - hải sản.
Sàn giao dịch hàng hóa giúp đào tạo, dần hình thành đội ngũ nhà kinh doanh trung gian, có khả năng chào hàng và mua hàng với các nhà sản xuất cũng như nhà tiêu thụ am hiểu thị trường đối với các sản phẩm đang sản xuất trong nước và có khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, hình thành đội ngũ chuyên gia kinh doanh thương mại có khả năng ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa theo kỳ hạn, ký kết các hợp đồng giao dịch tương lai.
Thành phố phải coi ngành thương mại là ngành kinh tế trụ cột lớn nhất của TP.HCM và tiến đến là của cả nước. Do hoạt động thương mại phát triển, các nhu cầu về dịch vụ tài chính sẽ xuất hiện, các định chế tài chính sẽ tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh, qua đó hình thành cơ sở của một trung tâm tài chính.
Việt Nam là một nước nhỏ, cơ sở sản xuất hàng hóa không lớn nên việc mua bán hàng hóa và xuất nhập khẩu hàng hóa có quy mô còn hạn chế. Nếu chỉ hình thành một hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính phục vụ cho thương mại chỉ có của Việt Nam thì Việt Nam không thể là trung tài chính khu vực hay thế giới.
Để Việt Nam là trung tâm tài chính thì trước hết phải là trung tâm thương mại khu vực hay thế giới. Hiện tại, TP.HCM đang có lợi thế về địa lý và khí hậu, nhưng lợi thế về nghề nghiệp thương mại và tài chính, cả về nguồn nhân lực là chưa có. Đây là mấu chốt quan trọng phải giải quyết.
TS. Lê Hồng Giang, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Quỹ Tactical Global Management Brisbane, Úc: "Việt Nam khó có cửa trong cuộc đua xây dựng trung tâm tài chính quốc tế theo truyền thống"
Dịch vụ tài chính ngày càng dựa vào công nghệ, do vậy bản chất của các trung tâm tài chính sẽ dịch chuyển thành các trung tâm công nghệ và hoặc cộng sinh với các trung tâm công nghệ. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời.
Một đặc điểm của làn sóng công nghệ mới là tính phi tập trung ngày càng cao, dù là trong các ứng dụng blockchain, cho vay ngang hàng, hay huy động vốn cộng đồng (crowdfunding); phi tập trung theo chiều ngang khi các dịch vụ tài chính không cần tập trung hoặc theo các đầu mối quy mô lớn, trong khi phi tập trung theo chiều dọc với các công ty FinTech nhỏ gặm nhấm dần từng mảng dịch vụ của các định chế tài chính hiện hữu. Quá trình này sẽ làm giảm dần lợi thế nhờ quy mô của các trung tâm tài chính lớn.
Bởi vậy, chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính (FinTech) sẽ là hướng mới cho các trung tâm tài chính, cũng là khuyến khích phát triển đặc thù cho các startup công nghệ. Quan trọng nhất là gỡ bỏ rào cản pháp lý và hạn chế các định chế tài chính hiện hữu vận động hành lang bảo vệ vai trò độc quyền của họ.
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khó có cửa trong cuộc đua xây dựng trung tâm tài chính quốc tế theo truyền thống, nhưng thai nghén một vài ‘kỳ lân” (uincorn) về FinTech có độ phủ quốc tế hoàn toàn trong tầm với. Điển hình như Trusting Social, một công ty tài chính thuần Việt đang tiến gần tới mục tiêu đó và nhiều công ty khác rất có triển vọng. Đó là tương lai trung tâm tài chính của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.
GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM: "Dám nghĩ lớn, làm khác biệt là điều kiện quan trọng để thành công"
Vị thế đang lên của Việt Nam ở khu vực và quốc tế, cùng với đó là dự dịch chuyển dòng vốn quốc tế sang các quốc gia có sự ổn định kinh tế, chính trị trong bối cảnh bất định của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là thời điểm thuận lợi để hình thành trung tâm tài chính quốc tế (IFC).
Các quốc gia ngày nay luôn tìm thấy sự hợp tác trong ngành công nghiệp tài chính giữa các IFC với nhau. Chẳng hạn, Qatar, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đang kết hợp để khai thác tổng quy mô 2.000 tỷ USD, tất cả sử dụng một nền công nghệ và hệ thống của Qatar. Hay IFC của Kazakhstan hợp tác với thành phố công nghệ quốc tế Gujarat của Ấn Độ.
Kinh nghiệm Kazakhstan thiết lập IFC cho thấy, dám nghĩ lớn, làm khác biệt là điều kiện quan trọng để thành công. Năm 2017, Kazakhstan là quốc gia thứ hai trên thế giới dám mở cửa và đa dạng hóa bằng việc nghiên cứu hình thành nên đồng tiền mật mã.
Kazakhstan và IFC Astana đang có những bước đi vững chắc để điều chỉnh các quy định về các tài sản blockchain và một nền kinh tế mã hóa. Năm 2018, Kazakhstan chính thức khai trương IFC Astana với Chủ tịch đầu tiên là Tổng thống nước này.
Tuy chỉ mới thành lập 1 năm, nhưng trong báo cáo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI 2019, số lần Astana được nhắc đến khá ấn tượng là 20 lần trong 24 tháng, xếp sau London 22 lần và Bắc Kinh 23 lần.
Với Hàn Quốc, nước này đã cho thế giới thấy tầm nhìn vượt thời gian trong kế hoạch phát triển IFC, nhưng cách triển khai quá thận trọng. Trong khi đồng nhân dân tệ và đô la Singapore từng bước chuyển đổi mạnh mẽ thành đồng tiền quốc tế thì đồng won Hàn Quốc vẫn án binh bất động.
Ở một thái cực khác, Nhật Bản có đủ điều kiện mà nhiều IFC khác không có, nhưng IFC Tokyo đang giảm sức cạnh tranh do chưa có một thị trường trái phiếu đa dạng hóa, cũng như thiếu các kế hoạch bài bản để phát triển công nghệ tài chính (FinTech) và một số yếu tố khác về nhân khẩu học.
Hội đồng tiền tệ Singapore đã chi 225 triệu USD cho các sáng kiến FinTech. Hồng Kông cũng có sáng kiến tương tự. Ngay lập tức, có 122 công ty nước ngoài đang niêm yết trên thị trường Tokyo chuyển sang IFC Singapore và Hồng Kông.
IFC luôn là câu chuyện chính sách tầm quốc gia, đòi hỏi có sự ủng hộ tuyệt đối từ Trung ương, nên phát triển IFC cần thể hiện trong việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng . Trong khi chờ đợi, TP.HCM đang bị tụt hậu.
Trong khi đó, FinTech dự báo sẽ làm thay đổi cuộc chơi của các IFC toàn thế giới, gợi ý về việc phát triển IFC của Việt Nam với TP.HCM là điểm đến lý tưởng để triển khai các bước bằng việc tập trung vào FinTech. Khai thác nguồn nhân lực trên toàn cầu cho FinTech dễ hơn việc xử lý đồng tiền chuyển đổi hay tự do hóa dòng vốn.
Ông Christopher Balding, Giảng viên cao cấp FSPPM, Trường đại học Fulbright Việt Nam: "Trung tâm tài chính của TP.HCM có thể hoạt động như một đặc khu kinh tế"
Trên cơ sở nghiên cứu khác biệt giữa Thẩm Quyến và Hồng Kông trong quá trình phát triển thị trường tài chính có rút ra điểm tương quan với TP.HCM.
Thứ nhất, TP.HCM có điểm tương đồng với Thẩn Quyến, đặc biệt trên cơ sở quản lý chặt thị trường ngoại hối và sự lấn át của ngân hàng nội. Thành phố cần nới lỏng quy chế cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó hậu thuẫn cho dòng vốn từ Việt Nam ra các nước khác. Phát triển trung tâm tài chính toàn cầu là bất khả thi nếu dòng tiền không đươc tự do lưu chuyển ra vào.
Thứ hai, tuy đã xuất hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào sản xuất, Việt Nam hiện thiếu cơ chế cho cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu thêm cổ phần trong nhiều công ty nội địa, cũng như giúp liên thông cơ hội đầu tư để phát triển thị trường tài chính. Việt Nam cần cải thiện nguồn tài sản nội địa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhằm khai thác nhiều cơ hội hơn nữa. Trung tâm tài chính của TP.HCM có thể hoạt động như một đặc khu kinh tế với quy định pháp lý riêng để linh hoạt và cởi mở hơn.