TP.HCM không lấy ưu đãi thuế để thu hút đầu tư

Sau hơn 6 tháng thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, địa phương bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược rót vốn vào các dự án công nghệ cao theo đúng định hướng.

Nhà đầu tư vẫn muốn ưu đãi thuế

Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư vào TP.HCM là ưu đãi thuế, đặc biệt trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đã được Việt Nam áp dụng từ đầu năm nay.

“Khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, doanh nghiệp quan tâm nhất là việc Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ họ hay không?”, bà Đặng Mai Kim Ngân, Phó tổng giám đốc Deloite Việt Nam nêu vấn đề tại Hội nghị Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới, diễn ra tại TP.HCM mới đây.

Theo bà Ngân, khi quyết định đầu tư, doanh nghiệp đều muốn biết chính sách hỗ trợ của Việt Nam có đi ngược với cam kết của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) không, bởi lo ngại rằng, nếu không đồng nhất dễ dẫn đến tình trạng đóng thuế 2 lần.

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Trong đó, có các giải pháp hỗ trợ ưu đãi như trợ cấp đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng… Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ về chi phí đào tạo, phát triển nhân lực, chi phí nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao…

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng thông tin cụ thể rằng, theo hướng dẫn của OECD, trợ cấp doanh nghiệp được coi là không phù hợp nếu vi phạm một trong 4 yếu tố: đối tượng hỗ trợ không có lợi cho tất cả các doanh nghiệp; chỉ có lợi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu; việc hưởng trợ cấp là do thực hiện việc đóng thuế tối thiểu toàn cầu; các chính sách hưởng lợi được ban hành sau khi có quy tắc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Vì vậy, Việt Nam đang rà soát về khả năng xung đột pháp lý với các điều khoản về bảo đảm đầu tư theo Luật Đầu tư hiện hành”, ông Sử thông tin.

Không lấy ưu đãi thuế để thu hút đầu tư

Chỉ sau vài tháng thực hiện các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15, thu hút đầu tư vào TP.HCM đã có những chuyển biến rất tích cực.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực, Khu công nghệ cao đã tái lập cơ chế một cửa tại chỗ, nên rút ngắn được các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

Đơn cử, nhà đầu tư BESI (Hà Lan) cho biết, chỉ 4 tháng sau khi được cấp phép đầu tư vào Khu công nghệ cao để sản xuất máy kiểm định đóng gói chip, họ đã đưa máy móc vào sản xuất. Theo ông Thi, đây là một kỷ lục mới trong đầu tư vào Thành phố.

Từ câu chuyện BESI đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đồng tình cho rằng, vấn đề họ quan tâm nhất là môi trường kinh doanh có ổn định và thuận lợi hay không, chứ không phải ưu đãi thuế.

Trong định hướng mới hiện nay, TP.HCM cũng xác định không lấy ưu đãi thuế là lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, mà Thành phố coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho biết, trong bối cảnh môi trường đầu tư nhiều rủi ro như hiện nay, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định, minh bạch của môi trường đầu tư - kinh doanh và tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp phát triển, chứ không chỉ là các biện pháp hỗ trợ về tiền bạc, thuế, ưu đãi.

“Hiện nay, công nghệ 6 tháng đã thay đổi, mà xin giấy phép đầu tư mất mấy năm, thì rất khó thu hút đầu tư. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư có thể tạo ra nhiều lợi nhuận mà không cần đến ưu đãi thuế. Còn thủ tục chậm trễ, không có hệ sinh thái, thì dù có ưu đãi nhiều, nhà đầu tư vẫn không mặn mà”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nêu quan điểm về việc thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM, ông Nguyễn Anh Thi cho biết, nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng được 2 điều kiện là giúp Việt Nam nâng cao được năng lực công nghệ và giúp lôi kéo được các doanh nghiệp cùng đầu tư theo chuỗi giá trị toàn cầu. Ông lấy ví dụ, nhà máy của BESI dù chỉ có vốn đầu tư 5 triệu USD, nhưng thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch - lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị lan tỏa toàn cầu và phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của TP.HCM.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục