Bệnh viện xây xong, vốn trung ương vẫn bố trí chưa đủ
Trong Văn bản số 1453/UBND-DA, ngày 10/5/2021 do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký gửi các bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM cho hay, Thành phố có 3 dự án lớn đang triển khai, được sử dụng ngân sách trung ương và đã ghi vốn trong kế hoạch trung hạn 2012 - 2020. Nhu cầu vốn đầu tư 3 dự án là 3.085,236 tỷ đồng, nhưng Trung ương chỉ bố trí vốn ngân sách là 211,89 tỷ đồng, không đủ để thực hiện.
Trong 3 dự án được nêu, có 2 dự án y tế quan trọng là Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (quy mô 1.000 giường) tại huyện Bình Chánh, khởi công năm 2014 và Dự án Xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu (quy mô 1.000 giường) tại quận 9 (nay là TP. Thủ Đức), khởi công năm 2015.
Theo UBND TP.HCM, 2 dự án này có tổng nguồn vốn sau điều chỉnh hơn là 10.321 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương chiếm phần lớn, 8.800 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã có trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.
Đáng nói là, cả 2 dự án đều đã hoàn thành, nhưng nguồn vốn trung ương bố trí cho 2 dự án vẫn không đủ, dù đã quá thời hạn bố trí vốn. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã được đưa vào sử dụng từ ngày 1/6/2018, chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục trình thẩm định, phê duyệt tổng dự toán của Dự án, làm cơ sở thanh toán khối lượng cho nhà thầu; Bệnh viện Ung bướu cũng đã hoàn thành năm 2020.
Ông Phong cho biết, năm 2021, nhu cầu vốn còn lại chưa được bố trí của 2 dự án trên là hơn 2.100 tỷ đồng, trong khi kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà Trung ương bố trí cho TP.HCM đối với 3 dự án (trong đó có 2 dự án bệnh viện) chỉ là hơn 211 tỷ đồng, là không đủ.
Việc không bố trí đủ nguồn vốn gây khó khăn cho việc thanh toán với nhà thầu. Nếu không được tiếp tục sử dụng số vốn chưa giải ngân hết trong các năm 2017 - 2018, thì có khả năng, TP.HCM phải trả về ngân sách trung ương, trong khi 2 dự án bệnh viện đang thiếu vốn. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, mà còn phát sinh những gánh nặng khác về việc tiếp tục bố trí vốn ngân sách.
Bởi vậy, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cân đối, bổ sung, bố trí hơn 2.200 tỷ đồng vốn từ ngân sách trung ương trong các đợt điều chỉnh vốn năm 2021 cho cả 3 dự án, bao gồm 2 dự án bệnh viện nêu trên.
Ách tắc ở khâu thẩm định, giao mặt bằng
Ngoài 2 dự án y tế liên quan nguồn vốn trung ương, theo báo cáo mới đây về những khó khăn trong ngành của Sở Y tế TP.HCM, hàng loạt dự án y tế khác tại TP.HCM đang cần phải đẩy nhanh tiến độ. Bởi thực tế, dự án càng bị “ngâm” lâu, thì càng phát sinh chi phí và đó chính là lãng phí.
Cụ thể, Cụm Y tế Tân Kiên tại huyện Bình Chánh đã được UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại Quyết định số 438/QĐ-UB, ngày 31/1/2015. Các dự án trong Cụm được chia thành 2 giai đoạn, căn cứ vào tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn I, trong khu đất 33,32 ha, các chủ đầu tư đã và đang triển khai thực hiện các dự án: Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Xét nghiệm y khoa, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa thực hành.
Ở khu đất thứ 2 (hơn 21 ha), chính quyền huyện Bình Chánh đang tiến hành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng để dự kiến đầu tư Bệnh viện Bình dân cơ sở 2, các khu phụ trợ: bãi xe công cộng, ký túc xá, khu ở chuyên gia, khu dịch vụ công cộng, trường mầm non…
Ngày 25/9/2019, căn cứ thực tế, Sở Y tế TP.HCM có Tờ trình số 5236/TTr-SYT kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Cụm y tế Tân Kiên để đảm bảo cơ cấu diện tích của các khu đất phù hợp với quy mô phát triển theo định hướng, bổ sung các trung tâm y học cơ bản cận lâm sàng, góp phần hoàn thiện hệ thống y tế chuyên sâu hiện đại theo chuẩn quốc tế; bổ sung Ngân hàng Máu, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm và Trung tâm cấp cứu 115 (cơ sở 2)...
Tuy nhiên, tới thời điểm này, Sở Y tế TP.HCM chưa nhận được ý kiến của các cơ quan chức năng và chưa được bàn giao mặt bằng.
Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh sớm tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về điều chỉnh cục bộ Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Cụm Y tế Tân Kiên (giai đoạn II) để hoàn tất hồ sơ quy hoạch trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM thẩm định, trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Ngoài ra, liên quan dự án này, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành liên quan nhanh chóng xem xét thẩm định dự án, trình HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án từ 380 tỷ đồng lên 799 tỷ đồng, do Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư, để các dự án sớm được triển khai trong năm 2021.
Một dự án khác cũng đang gặp vướng mắc là Dự án Đầu tư xây dựng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2). Dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 1192/QĐ-TTg, ngày 14/8/2017), là một trong những dự án trọng điểm, kết hợp với bệnh viện thực hành theo mô hình viện - trường để mở rộng năng lực đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu của ngành y tế TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cũng như cả nước, góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển mạng lưới y tế quốc gia.
Dù UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, nhưng tới thời điểm này, việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán vẫn chưa được cơ quan chức năng tiến hành.
Bởi vậy, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng sớm hỗ trợ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán để chủ đầu tư kịp khởi công trong năm 2021; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh sớm bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2021 và phải thực hiện đúng Quy hoạch được duyệt, không chấp nhận giữ lại phần đất mặt tiền (5.000 m2) để bố trí tái định cư cho 10 hộ có nhà ở mặt đường.
Với Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, theo Sở Y tế TP.HCM, vào ngày 11/8/2010, UBND TP.HCM đã có Công văn số 3851/UBND-ĐTMT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố chỉ định Công ty TNHH Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh Bitexco (Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco) là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng tại góc giao lộ Nguyễn Trãi - cống Quỳnh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1).
Dự án đã được duyệt với quy mô 300 gường bệnh, diện tích khoảng 10 ha, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Nhưng đến nay, UBND quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Chờ bố trí quỹ đất
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện TP. Thủ Đức hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận 5.000 - 6.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Bệnh viện đã tận dụng tất cả hành lang để đặt giường cho bệnh nhân nằm, nhưng tình trạng bệnh nhân nội trú nằm ghép đôi, ghép ba vẫn thường xuyên xảy ra.
“Tình trạng bệnh nhân than phiền sự quá tải, chật chội về cơ sở vật chất tại Bệnh viện diễn ra thường xuyên. Cơ sở vật chất của Bệnh viện xuống cấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhân tại khu vực Thủ Đức và các khu vực lân cận”, văn bản của Sở Y tế TP.HCM nêu.
Bởi thế, Dự án Mở rộng Bệnh viện TP. Thủ Đức đã được duyệt, không chỉ giúp giải quyết vấn đề trên, mà còn là bước đi quan trọng trong kế hoạch xây dựng và phát triển của Bệnh viện giai đoạn 2020 - 2025.
Theo cơ quan chức năng, để thực hiện Dự án Mở rộng Bệnh viện TP. Thủ Đức, cần bổ sung quỹ đất cho Bệnh viện với tổng diện tích khoảng 22.500 m2, bao gồm 18.908,5 m2 hiện tại đang thuộc đất của Trung tâm Điều dưỡng tâm thần; 1.146 m2 tại số 10, đường Tam Châu (phường Tam Phú, TP. Thủ Đức) - khu đất nằm liền kề với phần đất hiện hữu của bệnh viện; 1.422,8 m2 đã được giao để xây dựng khu hành chính, hậu cần tạm thời phục vụ cho hoạt động trong thời gian nâng cấp và mở rộng Bệnh viện giai đoạn III; 962,78 m2 thuộc Trạm cấp nước Tam Phú 1 (phường Tam Phú).
Tuy nhiên, UBND TP. Thủ Đức chưa bổ sung quỹ đất cho Bệnh viện để thực hiện Dự án. Vì thế, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND TP. Thủ Đức bổ sung quỹ đất khoảng 22.500 m2 để thực hiện dự án này.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, để tạo điều kiện thuận lợi cho Khu Đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM (thuộc TP. Thủ Đức) phát triển mạng lưới cơ sở y tế đảm bảo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong tương lai, cần bố trí quỹ đất khoảng 10 ha để xây dựng 1 bệnh viện quy mô 1.000 giường bệnh; 1 bệnh viện tâm thần cùng 1 trung tâm cấp cứu với tổng quỹ đất khoảng 15 ha.
Sở Y tế TP.HCM đã có công văn kiến nghị gửi tới các sở, ngành liên quan và UBND TP.HCM từ cuối năm 2020, đầu 2021, nhưng vẫn đang… chờ.