TP.HCM: Dự kiến nhu cầu tiêu thụ 45 triệu lít bia/tháng Tết

Theo Kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn TP.HCM do Sở Công thương TP.HCM soạn thảo, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường.
Lượng hàng hoá được chuẩn bị cho Tết Canh Tý tăng từ 14-17% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng từ 21-28% với năm ngoái. Lượng hàng hoá được chuẩn bị cho Tết Canh Tý tăng từ 14-17% so với kế hoạch Thành phố giao và tăng từ 21-28% với năm ngoái.

Để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng Tết Canh Tý 2020, Sở Công thương phối hợp với các Sở ngành, doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết với tổng giá trị hàng hoá hơn 19.000 tỷ đồng (tăng gần 3,3% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Kỷ Hợi 2019).

Riêng trong tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 26/12/2019 đến 24/01/2020 (từ ngày 01 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hoá các doanh nghiệp chuẩn bị là hơn 10.200 tỷ đồng, trong đó, hàng bình ổn thị trường trên 4.000 tỷ đồng. 

Lượng hàng hoá nhập bình quân tại 3 chợ đầu mối (Bình Điền, Thủ Đức và Hooc Môn) trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là nông sản, thịt và thuỷ hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ sẽ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15-16.000 tấn/ngày.

Về mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 19.000 tấn.

Hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố từ 3 nguồn chính: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30-40% thị phần, chợ đầu mối chiếm từ 60-70% thị phần, phần còn lại do các doanh nghiệp khác cung cấp.

Năm 2019, Thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hoá, không sử dụng vốn ngân sách, với 79 doanh nghiệp tham gia 4 chương trình.

Tổng vốn các ngân hàng đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp vay thực hiện chương trình là hơn 19.600 tỷ đồng, lãi suất tương đương năm 2018 (ngắn hạn từ 5,5%-7%/năm, trung và dài hạn từ 9-10%/năm).

TP.HCM hiện có 239 chợ, gồm 3 chợ đầu mối, 14 chợ hạng 1, 52 chợ hạng 2 và 170 chợ hạng 3. Tất cả các đơn vị đang quản lý, khai thác, vận hành hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố đều không có yếu tố nước ngoài.

Cùng với đó, có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.657 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thành phố.

Theo Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, xét về tỷ trọng số lượng điểm bán thì các hệ thống siêu thị trong nước như Vinmart, Co.op mart, Satra mart,…đang chiếm ưu thế, với 75% (có 155/206 siêu thị) so với các siêu thị có yếu tố nước ngoài như BigC, Aeon, Lotte,…

57,2% trung tâm thương mại thuộc về doanh nghiệp trong nước cũng như chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước đang chiếm tỷ trọng áp đảo, với 76% so với chuỗi có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, 261 cửa hàng Co.op Food, 214 cửa hàng SatraFoods, 694 cửa hàng Vinmart+, 554 cửa hàng Bách hoá Xanh, trong đó, Vinmart+ là chuỗi tăng số lượng cửa hàng nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 với 84 cửa hàng.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục