TP.HCM có thể tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau 10 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
Đây là một trong ba phương án khi TP.HCM hết 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thậm chí, sẽ tính đến các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn nếu dịch bệnh gia tăng.
Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM

Chiều 13/7, thông tin tại buổi họp báo về công tác phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, Thành phố đã xây dựng 3 phương án khi hết thời gian giãn cách xã hội.

Theo ông Mãi, phương án thứ nhất là TP.HCM kiểm soát và chặn được Covid-19. Khi đó, thành phố có thể sẽ xem xét áp dụng Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 19, hoặc biện pháp "Chỉ thị 16 trừ".

Phương án thứ hai, TP.HCM chưa kiểm soát được Covid-19, dịch vẫn gia tăng. Khi đó, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một thời gian nữa.

Phương án thứ ba, tình huống xấu nhất, dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Khi đó, TP.HCM sẽ tính các biện pháp, trong đó có phong toả mạnh mẽ hơn, thậm chí phải có thêm những biện pháp khác.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM chia sẻ thêm, dù tình huống nào, việc ngăn chặn được dịch lúc này vẫn là sự thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của người dân, gia đình, khu dân cư, doanh nghiệp trong những ngày tới. Các cơ quan chức năng cũng phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình để đạt được mục tiêu phòng chống dịch cao nhất. Ý thức thực hiện nghiêm của mỗi người mỗi nhà và tính hiệu quả công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng mới đạt được kết quả cao nhất.

"Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta. Tôi mong muốn người dân thời gian tới tiếp tục chung sức đồng lòng chống dịch, để không phải áp dụng các biện pháp xấu nhất để chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ rà soát lại các kế hoạch, các phương án phù hợp với tình hình. Không chỉ là cung ứng hàng hóa mà phải đảm bảo cơ sở vật chất cho điều trị bệnh nhân và chăm lo cho người yếu thế…

Liên quan đến vấn đề sản xuất an toàn, ông Mãi cho rằng, hiện nay, mục tiêu phòng, chống dịch, an toàn sức khỏe của người dân là trên hết. Do vậy, việc duy trì sản xuất phải đảm bảo an toàn mới sản xuất, nơi nào không an toàn thì phải dừng để củng cố.

Thông tin thêm về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong vòng 24 giờ qua Thành phố phát hiện thêm 1.602 bệnh nhân mới. Trong đó, 579 ca bệnh trong khu phong tỏa, 778 ca bệnh trong khu cách ly, 8 ca bị phơi nhiễm nghề nghiệp (BV quận Phú Nhuận, BV Nhi đồng 2, BV quận 7, BV Nhi đồng 2 và Trung tâm Y tế quận Bình Tân), 138 ca tầm soát tại BV và 3 ca tầm soát tại cộng đồng.

Theo ông Tâm, số ca bệnh trên được phát hiện chủ yếu trong khu cách ly và khu phong tỏa là diễn tiến tự nhiên. Tuy nhiên, số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng so với ngày hôm qua đã giảm hơn.

Trong vòng 24 giờ qua, tất cả 22 quận huyện và TP.Thủ Đức đều có ca bệnh. TP.Thủ Đức có số ca bệnh cao nhất với 176 ca, trong đó khu công nghệ cao vẫn tiếp tục phát hiện ca mới. Liên quan đến các ổ dịch, hiện Thành phố đang có 70 ổ dịch, trong đó 26 ổ dịch đang diễn tiến, 6 ổ dịch chợ, 12 ổ dịch khu dân cư, 8 ổ dịch công ty và khu công nghiệp, 44 ổ dịch đã ổn định.

Ngày 13/7, UBND TP.HCM đã có thông báo đến các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các cụm công nghiệp và các doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp phải rà soát lại tiêu chí an toàn sản xuất. Nếu cần thiết sản xuất phải được các cơ quan chức năng xác nhận an toàn phòng, chống dịch.

Thực hiện theo phương thức gồm 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ nếu đủ điều kiện); 2 điểm (một điểm tập trung cho công nhân lao động ăn, ở và bố trí xe đưa đón đến một điểm khác để sản xuất).

Nếu doanh nghiệp đáp ứng được một trong 2 phương thức thì cơ quan chức năng sẽ cùng với doanh nghiệp đảm bảo sản xuất.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục