TP.HCM cần gần 500.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập

TP.HCM đang rốt ráo thực hiện những giải pháp để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư (PPP).
TP.HCM cần gần 500.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập

“Rào cản” làm khó nhà đầu tư

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trước khi Nghị định số 15 của Chính phủ về PPP được ban hành năm 2015, TP.HCM là địa phương sớm thực hiện việc thu hút các nguồn vốn xã hội cùng với vốn từ ngân sách để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước…

Đã có 18 dự án được triển khai theo cách này, với tổng vốn đầu tư 59.225 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Sau khi Nghị định số 15 được ban hành, Thành phố đã có thêm 5 dự án được triển khai, với tổng vốn đầu tư 11.902 tỷ đồng.

“Từ thực tế cho thấy, mô hình PPP khi được sử dụng hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích trong quản lý, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.

6 lĩnh vực được ưu tiên gọi vốn PPP là môi trường; giáo dục; y tế; văn hóa -thể thao; hạ tầng giao thông; dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ.   

Tuy nhiên, việc triển khai dự án PPP phát sinh nhiều khó khăn về áp dụng quy định pháp luật liên quan, quỹ thanh toán cho dự án BT không đủ để đáp ứng vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, khó khăn về thể chế thực hiện, phương án tài chính của dự án, phí và lệ phí dịch vụ công…

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, trước khi có Nghị định số 15, Công ty đã thực hiện nhiều dự án PPP, trong đó có những dự án quy mô lớn như cầu Phú Mỹ, dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, nhà máy nước BOO Thủ Đức…

HFIC đang xúc tiến, chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án PPP, với tổng vốn đầu tư 74.810 tỷ đồng, trong đó vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỷ đồng.

“Dù có nhiều nỗ lực, việc triển khai các dự án PPP mà HFIC đang theo dõi, xúc tiến vẫn chậm so với tiến độ đề ra”, đại diện HFIC nói và chỉ ra 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, hành lang pháp lý về PPP hiện là Nghị định số 15. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn phải phụ thuộc vào Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Đất đai… và các văn bản dưới luật khác. Trong khi đó, các luật này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh các hoạt động đầu tư dự án công.

Ngoài ra, do hình thức đầu tư PPP hiện chỉ được điều chỉnh ở mức nghị định, mà việc chỉnh sửa, bổ sung các nghị định diễn ra thường xuyên, nên nhà đầu tư quan ngại về tính ổn định của chính sách.

Thứ hai, các dự án PPP thường có quy mô lớn, quy trình xúc tiến và nghiên cứu, cũng như hồ sơ trình duyệt phải qua nhiều bước, nên thời gian thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính khá lâu, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Thứ ba, quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT, nhất là ở những vị trí mà nhà đầu tư mong muốn không còn nhiều, quỹ đất sạch không có sẵn, do đó khó khăn trong việc lựa chọn quỹ đất phù hợp để nhà đầu tư có phương án khả thi cho dự án.

Tạo đột phá từ cách làm mới

Trao đổi với các nhà đầu tư trong khuôn khổ một hội nghị về PPP được tổ chức giữa tuần này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó khả năng ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20%.

Do đó, Thành phố sẽ có nhiều giải pháp, cách làm mới nhằm thu hút đầu tư PPP. Trong đó, 6 lĩnh vực được ưu tiên là môi trường; giáo dục; y tế; văn hóa – thể thao; hạ tầng giao thông; dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tính riêng nhu cầu vốn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập cũng lên đến gần 500.000 tỷ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị…

Do đó, vấn đề thu hút đầu tư PPP hiện rất cấp bách. Thành phố sẽ rốt ráo, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện những cách làm mới để thu hút nguồn vốn này.

Ông Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tiêu chí của từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân.

Đồng thời, để tăng tính công khai, minh bạch, Sở cần mở chuyên mục riêng trên trang web của sở về nhu cầu đầu tư công của Thành phố, trong đó thông tin cụ thể về danh mục các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP… để các nhà đầu tư nắm đầy đủ thông tin.

“Cách làm mới sẽ tạo bước đột phá về thu hút đầu tư PPP”, ông Phong nói và cho biết, Thành phố sẽ linh hoạt, đa dạng các hình thức chi trả cho nhà đầu tư. Thành phố sẽ sớm hình thành Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ Bù đắp tài chính (VGF) nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án PPP.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục