Báo cáo mới đây tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 - 2032 trên địa bàn do UBND TP.HCM tổ chức sáng ngày 21/10, UBND Thành phố cho biết, một số mặt hàng như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… có chi phí sản xuất còn cao, chưa ổn định, phụ thuộc diễn biến thị trường thế giới.
Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, phân bón, dầu cọ, ngũ cốc... còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Trong khi đó, các nhóm hàng tươi sống như thịt, rau, củ quả,… chưa được đầu tư mạnh về công nghệ chế biến sâu sau thu hoạch, bảo quản lâu, dự trữ dài ngày, nguồn cung, giá cả thường phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết, dịch bệnh. Được biết, thói quen tiêu dùng của người dân hiện không ưa chuộng thực phẩm đã qua chế biến, đông lạnh, khiến doanh nghiệp không có động lực phát triển về mặt này, Nhà nước cũng chưa có những chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh về công nghệ chế biến sâu.
Hiện các mặt hàng bình ổn thị trường phần lớn vẫn thuộc ngành thực phẩm, hàng tươi sống, người tiêu dùng vẫn còn thói quen ưa chuộng trực tiếp lựa chọn thực phẩm khi mua hàng khiến ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường, trong hoạt động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình vẫn còn chậm, chưa theo kịp xu hướng phát triển.
Ngoài ra, hiện trạng logistics còn nhiều bất cập, hệ thống kho dự trữ phân tán, nhỏ lẻ, vận chuyển hàng hóa khu vực nội thành gặp nhiều khó khăn cũng khiến hoạt động cung ứng, đảm bảo lượng hàng đầy đủ tại điểm bán của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giao nhận.