Đề xuất lao động ngành thực phẩm tươi sống được lưu thông sau 18h

0:00 / 0:00
0:00
Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương kiến nghị xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông trên đường sau 18h.
Một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN), Một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN),

Ưu tiên một số lao động ngành thực phẩm tươi sống được phép lưu thông sau 18h là một trong những kiến nghị của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, để đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, một số địa phương khu vực phía Nam yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau nếu không có việc cần thiết.

Đây là yêu cầu hợp lý và cấp thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song theo phản ánh của một số đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp vận chuyển mặt hàng tươi sống, yêu cầu này phần nào gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa tươi sống đến với người tiêu dùng.

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương với một số doanh nghiệp phân phối lớn, đại diện các đơn vị Saigon Co.op, Central Retail, Aeon Việt Nam, MM Mega Market đã ghi nhận sự đồng hành, hỗ trợ kịp của Bộ Công Thương với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu một số khó khăn hiện tại và đề xuất kiến nghị.

Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các vấn đề được các doanh nghiệp phân phối đề xuất như: tiêm vaccine cho lao động, thiếu nhân lực làm việc, khó khăn trong lưu thông hàng hóa, hướng dẫn mở lại chợ… đều được Bộ Công Thương có văn bản đề xuất kiến nghị lên các bộ ngành, Chính phủ để kịp thời xử lý.

Tổ công tác cũng đề nghị Hiệp hội Bán lẻ thường xuyên cập nhật và phổ biến các văn bản liên quan cho các thành viên Hiệp hội để nắm được thông tin.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần bám sát Sở Công Thương, Ủy ban Nhân dân địa phương để thông tin kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn phát sinh cục bộ trên địa bàn cũng như đẩy mạnh truyền thông hơn nữa các phương thức bán hàng online, mô hình bán hàng theo combo… để người dân biết và sử dụng, hạn chế ra đường.

Các doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống theo hướng giảm bớt tiếp xúc, tăng cường biện pháp bảo vệ nhân viên trong khâu giao nhận hàng hóa.

Đối với danh mục mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Bộ đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg; trong đó, có các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Vì vậy, doanh nghiệp có thể liên hệ với Sở Công Thương địa phương, nơi doanh nghiệp có chuỗi cung ứng để đề xuất danh mục hàng thiết yếu cho phù hợp.

Ngoài ra, đại diện Tổ công tác đã tham gia Đoàn kiểm tra phòng, chống dịch tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan); Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) và Công ty trách nhiệm hữu hạn TikiNow Smart Logistics.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Vissan cho biết trong 1-2 ngày tới, công ty đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ 100% nguồn thực phẩm thiết yếu cho các mạng lưới phân phối.

Còn với Công ty VIFON, so với thời gian trước, năng lực sản xuất của doanh nghiệp có sụt giảm do nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu, lao động sản xuất giảm.

Trong khi đó, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Tikinow Smart Logistics chia sẻ bất cập trong việc giao hàng liên quận, tại các “vùng đỏ”; bất cập về kho để hàng tại một số quận có diện tích hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu người dân…

Ghi nhận và để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Tổ công tác kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến chính thức gửi lên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đang áp dụng giờ giới nghiêm.

Tổ công tác kiến nghị xem xét xây dựng phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông trên đường sau 18h hằng ngày để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống cho người dân vào sáng hôm sau.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục