TP.HCM bị Đồng Nai, Bình Dương bỏ xa trong thu hút FDI

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, có 90 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn hơn 155 triệu USD; 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm gần 79 triệu USD. Tính chung 2 tháng, TP.HCM thu hút hơn 231 triệu USD. Với kết quả này, vốn FDI vào TP.HCM kém khá xa so với Đồng Nai và Bình Dương, với số vốn cam kết trên dưới 500 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.
Mấy năm gần đây, TP.HCM không thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn Mấy năm gần đây, TP.HCM không thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn

Một trong những nguyên nhân của việc thu hút vốn FDI trong thời gian qua thấp là bởi, trong khi tại Đồng Nai, Bình Dương đã có những dự án có quy mô vốn lớn “cập bến”, thậm chí là có cả những dự án có số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, thì tại TP.HCM, phần lớn các dự án mới cấp phép có số vốn đăng ký chỉ vài chục triệu USD.

Đơn cử, dự án của Công ty United More (Malaysia) có vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Dự án này dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 13 ha, có mục tiêu hoạt động là sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED có độ chính xác cao, công suất khoảng 12 triệu sản phẩm/năm; Dự án của Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương (KCN Hiệp Phước), có số vốn đầu tư 25,6 triệu USD, chuyên sản xuất các loại nước chấm và gia vị phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều năm gần đây, kết quả thu hút vốn FDI của TP.HCM cao, nhưng chủ yếu dồn vào bất động sản, dẫn đến tác động lan tỏa chưa nhiều, đóng góp vào chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội không lớn. Ngay như năm 2015, theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, số vốn đầu tư cam kết của dự án FDI vào lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 49% và chỉ có gần 27% vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, trong khi, bình quân chung của cả nước là gần 67% tổng vốn đầu tư cam kết và lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm hơn 10 %.

Thực tế, ngoại trừ dự án của Tập đoàn Samsung tại SHTP sau lần tăng vốn 600 triệu USD vào cuối năm ngoái đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 2 tỷ USD, thì trong mấy năm gần đây, TP.HCM không thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn. Kể cả trong lĩnh vực dệt may được dự báo là đón cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì dự án lớn nhất đầu tư vào TP.HCM, sau khi tăng vốn vào năm vừa rồi cũng chỉ khoảng 300 triệu USD. Trong khi đó, có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất lên tới tỷ USD, nhưng lại giậm chân tại chỗ, thậm chí muốn “khai tử” nhiều năm vẫn chưa xong.

Ngoại trừ dự án của Tập đoàn Samsung tại SHTP sau lần tăng vốn 600 triệu USD vào cuối năm ngoái đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 2 tỷ USD, thì trong mấy năm gần đây, TP.HCM không thu hút được nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn lớn

Những rào cản, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư tiếp tục được “mổ xẻ” tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp FDI được tổ chức giữa tuần này. Vấn đề cải cách thể chế, trong đó có việc các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, gây khó cho nhà đầu tư vẫn là câu chuyện “nóng”. Đơn cử, theo các doanh nghiệp, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đang làm nhiều nhà đầu tư phải thay đổi chiến lược, hoặc sẽ không tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Thậm chí, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, Thông tư này vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý… Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, một lượng lớn doanh nghiệp Nhật đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị, nhưng đang gặp khó vì những quy định này. Do đó, các doanh nghiệp Nhật kiến nghị cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư.

Trao đổi với các nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho biết, Thành phố đang tích cực triển khai 7 chương trình đột phá, trong đó có những chương trình cụ thể hướng tới tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Người đứng đầu TP.HCM cũng đề nghị các doanh nghiệp FDI nên chung tay đề xuất các biện pháp cụ thể để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, quan tâm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống người lao động… vì mục tiêu chung là xây dựng, phát triển Thành phố. Đồng thời, ông Thăng cũng yêu cầu các ngành chức năng của Thành phố sau 1 tuần tính từ buổi gặp gỡ các doanh nghiệp FDI phải có trả lời cụ thể, rõ ràng về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp nêu ra.

Hồng Sơn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục