TP. Hồ Chí Minh: "Treo sổ hồng”, người dân và doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép

0:00 / 0:00
0:00
Vướng mắc thủ tục pháp lý, nhiều dự án nhà chung cư chưa được cấp “sổ hồng” không chỉ khiến chủ đầu tư thiệt hại mà quyền lợi của nhiều người dân cũng bị ảnh hưởng.
TP. Hồ Chí Minh: "Treo sổ hồng”, người dân và doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép

63 dự án “treo” sổ

Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (Sở TN&MT) đã cấp 11.114 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho người mua nhà dự án nhà ở thương mại trên địa bàn và còn đang thụ lý hơn 100 hồ sơ dự án nhà ở thương mại.

Mặc dù Sở TN&MT TP.HCM đã có nhiều cố gắng trong công tác cấp “sổ hồng”, nhưng theo số liệu thống kê từ 17 chủ đầu tư dự án nhà ở tại TP.HCM thì đã có đến 30.402 căn hộ thuộc 63 dự án nhà chung cư chưa được cấp sổ gây bức xúc cho khách hàng, trong đó có khách hàng là cá nhân nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp khách hàng khiếu kiện tập thể, gây mất trật tự, an ninh tại một số dự án.

Theo công văn của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM báo cáo, đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM năm 2020, dự báo thị trường BĐS 2021 cho thấy có 7 vướng mắc chủ yếu của dự án nhà ở thương mại, gồm: vướng mắc về thực hiện thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp; vướng mắc do quy định dự án phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư; vướng mắc trong việc xử lý các thửa đất thuộc diện Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án; vướng mắc về công tác xác định giá đất dự án, thẩm định giá đất để tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở và cấp sổ hồng cho chủ đầu tư dự án nhà ở và người mua nhà bị kéo dài, thường mất trên dưới 3 năm…

Tại TP.HCM, nhiều dự án BĐS đang gặp tình cảnh chung bởi “mang tiếng” chậm cấp “sổ hồng” cho người mua nhà do phải chờ đợi quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất nhiều năm.

Chủ đầu tư “hết sức cố gắng”, người mua nhà chịu thiệt

Một dự án tại huyện Nhà Bè của công ty Địa ốc Phú Long gặp vướng mắc đã 16 năm nay. Năm 2004, doanh nghiệp này trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích hơn 44 ha, đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên, trong khu đất này còn một căn nhà và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến không thể triển khai.

Tại TP. Thủ Đức, dự án căn hộ Gateway của Công ty Sơn Kim Land đã bàn giao nhà cho khách hàng, khách mua nhà đã thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán căn hộ, đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng nhưng đến nay chưa được cấp “sổ hồng” gây nhiều bức xúc cho hàng trăm cư dân.

Nguyên nhân bởi tầng hầm có diện tích lớn hơn so với phần xây dựng nhưng đại diện doanh nghiệp này cho biết đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, rất nhiều dự án khác cũng gặp phải nên kiến nghị UBND TP.HCM hướng dẫn để hoàn thành thủ tục hồ sơ, chấp nhận trả chi phí phát sinh để cấp “sổ hồng” cho cư dân.

Cũng tại TP Thủ Đức, một trường hợp bị “vạ lây” khác là Dự án Khu nhà ở phường Hiệp Bình Chánh (dự án Opal Riverside) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh) làm chủ đầu tu dù đã bàn giao 3 năm nay, đã thành lập Ban quản trị nhà chung cư theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn chưa được cấp sổ dẫn tới noanh nghiệp đang chịu sức ép rất lớn bởi hơn 600 hộ dân làm “áp lực”, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Cụ thể, năm 2016, Đất Xanh nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án này, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Năm 2017, Sở Xây dựng TP.HCM chấp thuận nghiệm thu hoàn thành xây dựng cho khối B và năm 2018 nghiệm thu cho khối A. Cùng năm, CĐT làm hồ sơ xin cấp “sổ hồng” cho các hộ dân tại dự án. Tháng 4 năm 2018, Sở TN&MT TP.HCM có biên bản kết luận công trình xây dựng phù hợp với giấy phép xây dựng, đủ điều kiện cấp sổ.

Dù Đất Xanh đã gửi rất nhiều văn bản liên quan để xin cấp sổ cho người dân nhưng đến nay Sở TN&MT TP.HCM vẫn chưa có hướng giải quyết về việc xác định giá trị bồi thường đất rạch, giao thông xen cài do Nhà nước quản lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp và gây bức xúc kéo dài cho tập thể cư dân.

Theo văn bản “cầu cứu” do doanh nghiệp này gửi UBND TP.HCM ngày 13/01/2021 thì từ năm 2016, Đất Xanh có công văn đề nghị xác định số tiền phải nộp cho phần đất rạch, đường xen cài do Nhà nước quản lý. Năm 2017, tập đoàn này tiếp tục có văn bản gửi Sở TN&MT để giải trình về việc bồi thường phần đất rạch tại khu đất dự án… Đến năm 2019, Đất Xanh tiếp tục có văn bản gửi Sở TN&MT TP.HCM đề nghị xác định giá trị bồi thường phần đất do Nhà nước quản lý, đề nghị cho tập đoàn này tạm nộp số tiền 5 tỷ để Sở TN&MT có văn bản chấp thuận đủ điều kiện cấp “sổ hồng” phần căn hộ cho người dân, còn phần căn hộ thương mại, dịch vụ sẽ được cấp sau khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi xác định được giá trị bồi thường theo đúng quy định.

Thậm chí, Đất Xanh cũng gửi văn đến đến Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai để xin hướng dẫn giải quyết… nhưng đến thời điểm này, Sở TN&MT TP.HCM vẫn chưa có hướng giải quyết và chưa có văn bản nào phản hồi nên doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), UBND TP.HCM cần xem xét, chỉ đạo ưu tiên giải quyết cấp “sổ hồng” trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà ỡ các dự án vì là bên ngay tình, đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và triệt tiêu các “điểm nóng” tiềm ẩn. Về nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có) giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước thì đề nghị tách ra, xử lý riêng.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục