TP HCM 'đấu tranh' để giải thể gần 200 ban chỉ đạo

Theo Sở Nội vụ TP HCM, nhiều sở ngành lập ban chỉ đạo để "né" trách nhiệm người đứng đầu, hàng loạt ban lập ra không hề hoạt động.
Ông Lê Hoài Trung: "Nhiều ban chỉ đạo lập ra không hoạt động, gây lãng phí". Ảnh:Tuyết Nguyễn. Ông Lê Hoài Trung: "Nhiều ban chỉ đạo lập ra không hoạt động, gây lãng phí". Ảnh:Tuyết Nguyễn.

VnExpress trao đổi với ông Lê Hoài Trung - Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM - về việc Sở đang tổng hợp số lượng các ban chỉ đạo, đề xuất UBND thành phố hủy bỏ, chỉ giữ lại một số ban cần thiết.

TP HCM hiện có bao nhiêu ban chỉ đạo, các ban ra đời trong bối cảnh nào thưa ông?

Thời lãnh đạo thành phố cũ, cái gì cũng thành lập ban chỉ đạo, đặc biệt có nhiều ban thành lập xong không hoạt động gì. Ngay cả bây giờ người ta còn muốn thành lập thêm nhiều ban chỉ đạo nữa.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ, thành phố có khoảng 200 ban chỉ đạo, ủy ban, tổ công tác, tổ liên ngành, hội đồng (gọi chung là ban chỉ đạo).

Thành lập ban chỉ đạo cũng có sự cần thiết, thứ nhất dựa trên chỉ đạo của trung ương như ban chỉ đạo về cải cách hành chính; ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại... Thứ hai là để có cơ chế phối hợp trong chỉ đạo điều hành.

Khi muốn thành lập, quận huyện, sở ngành quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn tham mưu, đề xuất thành viên. Sau khi UBND Thành phố đồng ý, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổ chức bộ máy. Có những ban chỉ đạo có Chủ tịch, hoặc Phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban; giám đốc sở chuyên môn làm phó ban, giám đốc các sở ngành liên quan làm ủy viên.

Ví dụ lập ban chỉ đạo về lĩnh vực đô thị, thì còn có lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, tài nguyên môi trường, thành viên có khi mấy chục ông.

Vì sao có tình trạng dư thừa ban chỉ đạo?

Mỗi sở ngành, quận huyện nếu phát huy hết trách nhiệm, phát huy chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành tốt thì không cần lập ban chỉ đạo. Ví dụ Sở Tài nguyên và Môi trường làm hết chức năng, thì đâu cần lập ban chỉ đạo liên quan thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng làm gì.

Trên hết người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải dám chịu trách nhiệm. Còn anh "run" quá, anh cứ thành lập ban chỉ đạo, hội đồng để xin ý kiến, lỡ có chuyện gì xảy ra thì "né" trách nhiệm cá nhân, để đẩy trách nhiệm cho tập thể.

Hoặc khi hậu quả xảy ra rồi, đơn vị quản lý chuyên ngành lại muốn lập ban chỉ đạo để khắc phục, như vậy là né tránh. Lẽ ra ai gây ra thì xử lý trách nhiệm người đó, chứ hậu quả đã xảy ra rồi thì lập ban chỉ đạo cũng đâu giải quyết được.

Các ban chỉ đạo hiện gây những hệ lụy gì?

Quá nhiều ban chỉ đạo gây lãng phí thời gian, nguồn lực, tiền của. Trong khi gần 200 ban đang tồn tại, chỉ khoảng 20 ban hoạt động hiệu quả.

Sở dĩ các ban hoạt động không hiệu quả, lập ra rồi để đó vì không có kế hoạch, nề nếp sinh hoạt để tạo thành hoạt động sống, thiết thực nên không tồn tại được.

Trước tiên là trách nhiệm của trưởng ban chỉ đạo đó. Ngoài ra, vai trò phó ban chỉ đạo thường trực, là người tham mưu thành lập thì phải thúc họp định kỳ, triển khai chương trình làm, yêu cầu chế độ báo cáo. Nhưng nhiều ban lập ra rồi không hoạt động.

Trên thực tế, có những ban chỉ đạo liên tục đổi thành viên, do nghỉ hưu, đổi công tác. Có khi một, hai năm sau phải thay hết thành viên ban chỉ đạo, phải hoàn thiện nhân sự mới. Có lúc Sở Nội vụ chỉ trình UBND Thành phố chức vụ của nhân sự chứ không có tên. Nên nhiều khi xảy ra việc thành viên sở ngành khác sắp nghỉ hưu không muốn vào ban, vì không có lương chế độ gì mà lại phải gánh thêm trách nhiệm.

Làm thế nào để chủ trương giải thể bớt ban chỉ đạo có thể thực hiện?

Muốn bỏ là một cuộc đấu tranh rất dữ, không chỉ với các sở ngành mà ngay cả với lãnh đạo thành phố. Đến nay, sau đề xuất của chúng tôi lãnh đạo thành phố đã chấp thuận chủ trương. 

Theo tôi trong lộ trình cải cách hành chính khả năng bỏ là cao, cũng là để nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu sở ngành, quận huyện đó.

Ngoài ra, thành phố đang dần mở rộng áp dụng các chương trình liên thông điện tử, thì không cần ban chỉ đạo, hội đồng gì nữa. Ví dụ Sở Xây dựng đã áp dụng chương trình một cửa liên thông cấp phép xây dựng. Hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện một cửa tiếp nhận cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh. Sở này sẽ tự liên kết với các sở ngành liên quan trên hệ thống, giúp doanh nghiệp không phải chạy khắp nơi và giảm được rất nhiều thời gian cho họ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trong giai đoạn thống kê, còn việc duy trì hay bỏ ban nào cụ thể sẽ do Thường trực UBND TP quyết định.

Ông Lê Hoài Trung cho biết hiện TP HCM có khoảng 20 ban chỉ đạo hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Cụ thể có Hội đồng phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp thành lập từ năm 1998 - với nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho rất nhiều đối tượng ở các lĩnh vực khác nhau.

Hay Ban chỉ đạocải cách thủ tục hành chính do Sở Nội vụ chủ trì, thường xuyên tư vấn, kiểm tra hoạt động của các sở ngành, quận huyện về nhiều khía cạnh:công khai, minh bạch, đúng hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...


Theo VnExpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục