Cạnh tranh quyết liệt
Thị trường ô tô từ đầu năm 2017 trở lại đây được đánh giá là có sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp ô tô sản xuất trong nước lẫn xe nhập khẩu. Ngoài ra, tâm lý chờ đợi để mua được xe với giá hấp dẫn hơn diễn ra ở rất nhiều người tiêu dùng.
Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là tiềm năng nhất trong khu vực ASEAN, nên các doanh nghiệp vẫn đổ vốn vào. Trong ảnh: Gian hàng của Toyota tại VMS 2017.
Bình luận về thực tế này, giám sát bán hàng của một doanh nghiệp ô tô lớn cho hay, bán hàng như năm 2016 thì đại lý có thể hòa vốn đầu tư sau 7 - 8 năm, nhưng bán hàng như từ đầu năm 2017 trở lại đây có thể mất tới 15 năm.
“Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam đã phải chấp nhận giảm giá xe cả trăm triệu đồng/chiếc trước một đối thủ như Trường Hải. Đó là một điều lạ, khác với truyền thống bán hàng bấy lâu của họ tại Việt Nam”, một chuyên gia ngành công nghiệp ô tô đã nhận xét như vậy.
Đây cũng được cho là động thái lạ, bởi theo nhiều người, thương hiệu Mazda mà Trường Hải đang kinh doanh có thể chấp nhận giảm giá lớn vì đến sau, có mục tiêu đạt sản lượng nhất định để kéo Mazda đặt sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Toyota hay Honda đã chiếm được sự yêu mến của người tiêu dùng Việt Nam nhất định, nhất là khi Toyota đang đứng số 1 về doanh số bán cho một thương hiệu tại Việt Nam.
Nhưng với thực tế liên tục khuyến mãi cho người mua của Trường Hải với Mazda hay Kia, các “ông lớn” dường như cũng không chịu nổi sốc nhiệt và phải tham gia cuộc chơi để không mất phần. Giờ đây, các chương trình khuyến mãi được những hãng ô tô liên tiếp tung ra theo tháng, chứ không còn theo 2 mùa thấp điểm bán ô tô trong năm.
Chính ông Bùi Kim Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng cho hay, ngoài các chương trình giảm giá ưu đãi từ Công ty, các showroom cũng thực hiện chương trình riêng, khiến giá xe do Thaco phân phối càng ngày càng hấp dẫn với người mua.
Nhưng, chiến lược đưa ô tô trở thành hàng hoá dễ mua hơn với người tiêu dùng không chỉ dành cho thị trường Việt Nam, mà còn được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Trường Hải nhắm tới với mục tiêu lâu dài là đứng vững trên thị trường ASEAN, khu vực trong bối cảnh từ ngày 1/1/2018 tới, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc sẽ về 0% với những xe đáp ứng tỷ lệ nội địa hoá trong nội khối là 40%.
Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam đã phải chấp nhận giảm giá xe cả trăm triệu đồng/chiếc trước một đối thủ như Trường Hải. Đó là một điều lạ, khác với truyền thống bán hàng bấy lâu của họ tại Việt Nam
Với thực tế Việt Nam là thị trường được đánh giá là tiềm năng nhất trong ASEAN, trong khi thị trường ô tô tại Thái Lan và Malaysia đã bão hòa, việc có đối sách cho thị trường Việt Nam cũng được các thương hiệu nổi tiếng thế giới tính đến.
Khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% vào năm 2018, những thương hiệu chưa có trung tâm sản xuất ở khu vực phải đưa ra quyết định tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay chuyển sang nước ASEAN khác cũng đang có cơ sở sản xuất của họ.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thành Công (Thành Công) cho hay, công nghiệp phụ trợ sẽ không phát triển được nếu không có dung lượng thị trường đủ lớn để hạ giá thành. Bởi vậy, Trường Hải và Thành Công đang nỗ lực để có được doanh số bán xe tốt về sản lượng, làm cơ sở để tạo ra giá hấp dẫn, thu hút được đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Vẫn chờ chính sách
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều thay đổi đã và sắp diễn ra, ảnh hưởng mạnh mẽ tới doanh số bán xe, một lãnh đạo cấp cao của Nissan Việt Nam cho hay, bỏ tiền đầu tư nghĩa là đã hy vọng.
“Chúng tôi luôn hy vọng sẽ có những cánh cửa được mở ra, dù là trong khó khăn nhất. Chúng tôi không nói câu thất vọng, dù có những khó khăn nhất định, bởi như thế có nghĩa là đã chấp nhận thất bại, buông xuôi mọi điều”, vị này cho biết.
Dẫu vậy, quan sát ngành công nghiệp ô tô trong gần 2 năm trở lại đây, có thể dễ dàng nhận thấy tâm trạng phấp phỏng ngày càng lộ rõ ở lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ô tô đang hiện diện tại Việt Nam. Nguyên do là một số chính sách liên quan đến tạo sự đột phá cho phát triển sản xuất của ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.
Đơn cử, ở thời điểm đầu tháng 8 này, chính sách liên quan đến điều kiện sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô nhập khẩu, lẽ ra phải có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, nhưng vẫn chưa hiện diện.
“Chúng tôi cũng được nghe sẽ có những thay đổi về chính sách thuế với xe bán tải, về thuế tiêu thụ đặc biệt với xe được sản xuất trong nước so với xe nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức nên việc chuẩn bị cho sản xuất, lắp ráp và kế hoạch kinh doanh có những khó khăn nhất định, bởi chúng tôi phải đặt hàng trước 6 tháng. Bây giờ đã hết tháng 7/2017, trong khi chỉ còn 5 tháng nữa là đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%”, đại diện Nissan Việt Nam cho hay.
Ông Lê Ngọc Đức thì cho rằng, cần phải nhìn thẳng vào thực tế. Theo ông, công nghiệp ô tô chỉ phát triển được khi có sự ủng hộ của Chính phủ, thông qua các chính sách cụ thể, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang tìm cách bảo hộ cho sản xuất trong nước bằng nhiều cách.
“Chính phủ Ấn Độ, Indonesia đã điều tiết thuế nội địa và hỗ trợ hợp lý công ty nội. Các nước đều khôn ngoan để không dẫm lên vạch đỏ các cam kết quốc tế, nhưng luôn đi giữa các khoảng hẹp hở đó để hỗ trợ doanh nghiệp nước mình phát triển”, ông Đức nói.
Năm 2016, Trường Hải đã bán được 112.874 xe, đạt doanh thu 65.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ nội địa hóa của xe con đạt được bình quân 15-18%; xe thương mại là 50%, trị giá nội địa hóa mà Trường Hải đạt được do sử dụng các linh, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam vào khoảng 15.000 tỷ đồng (tương đương 650 triệu USD). Dĩ nhiên, nếu Trường Hải không cố gắng nội địa hóa sản xuất tại Việt Nam, thì 15.000 tỷ đồng này sẽ dùng nhập khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cũng thừa nhận, dù Việt Nam có không ít sản phẩm tốt, song việc đứng được vào chuỗi sản xuất toàn cầu không phải đơn giản, vì đa số các cuộc chơi đều do người đứng đầu chuỗi quyết định.
“Chúng tôi đã đàm phán ròng rã cả năm trời để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được chuỗi sản xuất. Nhưng nếu không có những chính sách hợp lý, bảo vệ sản xuất trong nước kịp thời từ phía Chính phủ để doanh nghiệp Việt bật lên, thì rất khó trụ vững trước cơn lốc nhập khẩu từ chính các nước ASEAN, khi thuế nhập khẩu ô tô về 0% từ năm 2018”, ông Lê Ngọc Đức nói.
Sự cấp thiết của chính sách càng lộ rõ qua Triển lãm Ô tô Việt Nam 2017 đang diễn ra tại TP.HCM, khi tất cả các nhãn hiệu ô tô thông dụng đều giới thiệu nhiều sản phẩm nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN.
Nếu như Toyota Việt Nam có Wigo đến từ phân khúc B hay Avanza đến từ phân khúc MPV thấp, thì Honda Việt Nam có Honda Jazz, còn Suzuki Việt Nam có Celerio… Đáng nói, đây đều là những mẫu xe có thể cạnh tranh quyết liệt với các mẫu xe đang được lắp ráp tại Việt Nam như Hyundai Grand i10, Kia Morning… vốn có doanh số bán hàng rất khả quan.
Được biết, các sản phẩm này dự kiến sẽ hiện diện chính thức tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thời điểm mà thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, trong khi ô tô sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa khắc phục được yếu điểm là giá bán đắt hơn khoảng 20% bởi sản lượng thấp và chưa có chính sách hài hoà.