Ba hãng lắp ráp và bán xe nhiều nhất Việt Nam hiện nay là Toyota, Trường Hải và TC Motor, tạo nên cuộc đua "tam mã". Tuy vậy, Trường Hải phân phối tới 3 thương hiệu được thống kê doanh số là Mazda, Kia và Peugeot, nên thực tế, nếu xét riêng thương hiệu, Toyota và Hyundai mới cạnh tranh trực tiếp cho ngôi vị số một.
Mazda, Kia tuy bán tốt nhưng vẫn còn cách một khoảng khá xa. Sau 8 tháng, Mazda bán hơn 22.000 xe, Kia bán hơn 18.000 xe, tức chưa bằng một nửa Toyota và Hyundai.
Đối thủ lớn nhất của Toyota hiện nay là Hyundai. Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh đang có những yếu tố khiến Toyota phải cẩn trọng nếu không muốn mất ngôi số 1 cho hãng xe Hàn.
Biến động doanh số giữa các tháng trong năm của Hyundai ổn định hơn so với Toyota. Bởi lẽ, Toyota chịu ảnh hưởng bởi mẫu xe nhập khẩu là Fortuner - trồi sụt doanh số phụ thuộc nguồn cung.
Trong khi đó, lợi thế lắp ráp trong nước khiến TC Motor chủ động đẩy ra thị trường lượng xe mong muốn. Sức ép từ những chính sách nhà nước ưu đãi xe lắp ráp cũng khiến Toyota phải quay lại lắp ráp 4 phiên bản của Fortuner từ tháng 6, duy trì 2 bản nhập khẩu.
Về dải sản phẩm, Toyota có nhiều xe hơn nhưng Hyundai đang gây áp lực lớn lên đối thủ. Hãng xe Nhật vẫn có "ngôi sao" sáng nhất là Vios, liên tục đứng top doanh số. Nhưng ở phần còn lại, các mẫu xe khác lại tỏ ra yếu thế. Đối đầu trực diện, phần thắng nghiêng nhiều hơn về Hyundai.
Ở phân khúc A, Wigo không thể làm gì trước i10 đắt hàng. Cỡ B, Vios vượt mặt Accent nhưng Accent cũng thuộc top của phân khúc. Ở ngưỡng C, Altis đã trở thành dĩ vàng, cuộc đua là của Mazda3, Cerato và Elantra.
Toyota không có sản phẩm để cạnh tranh Hyundai Kona và Tucson. Fortuner không còn "xưng hùng xưng bá" như trước, khi mà Santa Fe và Everest đang vươn lên nhanh. Chỉ còn Innova thì đang để Xpander vượt mặt.
Xét từng dòng xe bán chạy nhất của mỗi hãng. Hết 8 tháng, Vios chiếm 33,9% tổng doanh số của Toyota, các vị trí tiếp theo là Innova 15,7% và Fortuner 14,7%. Trong khi đó Accent, dòng xe bán chạy nhất của Hyundai chiếm 24,4% tổng doanh số, tiếp theo là i10 với 23%, Santa Fe 12,3%.
Cả hai ông lớn đều có những sản phẩm đinh, có thể mang lại doanh số lớn, tạo thế lực trong mỗi phân khúc. Tuy vậy, Toyota đang phải phụ thuộc vào Vios khá nhiều (gần 34%), khoảng cách giữa Vios và phần còn lại của hãng là khá lớn.
Hyundai đỡ phụ thuộc vào một sản phẩm, vì Accent và i10 bán xấp xỉ nhau. Các chuyên gia phân tích, hãng nào có nhiều sản phẩm tiềm năng ngang nhau sẽ có nhiều cách để đánh chiếm thị trường hơn.
Một điểm nữa khiến Toyota phải dè chừng với đối thủ là định hướng kinh doanh của TC Motor đang phù hợp với chính sách của Chính phủ hơn.
TC Motor lắp ráp toàn bộ các sản phẩm, trong khi Toyota vẫn có một số xe nhập như Camry, Rush, Avanza, Wigo, 2 phiên bản của Fortuner và sắp tới có thể là cả Altis.
Nghị định 116 giới hạn xe nhập khẩu, Nghị định 125 miễn thuế nhập khẩu linh kiện để phục vụ sản xuất đều là những ưu đãi dành cho xe lắp.
Nhiều khả năng Chính phủ sẽ có thêm những chính sách khác trong thời gian tới, khả dĩ nhất là miễn Thuế Tiêu thụ đặc biệt cho phần sản xuất trong nước.
Khi đó, xe lắp ráp càng có cơ hội giảm giá, nắm lợi thế đua doanh số. Toyota cho biết hãng này vẫn ưu tiên lắp ráp, nhưng sẽ tính toán với các sản phẩm thích hợp, chứ không cố gắng lắp tất cả như Hyundai.
Từ năm ngoái, Hyundai, bán 63.526 xe, đã suýt soát doanh số của Toyota (65.856 xe). Sang 2019, cuộc rượt đuổi vẫn tiếp tục.
Xe Toyota với những lợi thế về thương hiệu, tính kinh tế khi sử dụng vẫn đang là quán quân, nhưng khoảng cách chỉ gần 1.700 xe với Hyundai có thể bị xóa nhòa chỉ trong một vài tháng cuối năm.
Còn 4 tháng để Toyota khẳng định "ngôi vương", và cũng từng ấy thời gian để Hyundai tìm cách trở thành "vị vua mới".