Năm 2019 dường như sẽ được ghi nhận là năm bước ngoặt khi sự đổi mới về công nghệ kỹ thuật số đã trở nên rất phổ biến.
Những năm gần đây, đổi mới công nghệ đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và tăng tốc.
Các ngành nghề buộc phải thích ứng với những cách thức hoạt động mới, hầu hết liên quan đến sự chuyển đổi kỹ thuật số mà thế giới đã và đang trải nghiệm, từ trí tuệ nhân tạo (AI) đến blockchain và Internet Vạn vật (IoT).
Công nghệ kỹ thuật số mới đang tác động mạnh đến mọi ngành nghề, và dự kiến tác động đó sẽ càng tăng mạnh trong năm 2020.
Giới doanh nghiệp không thể bỏ qua xu thế này.
Theo nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard năm 2016, những doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số đã tăng trưởng trung bình 55% tổng lợi nhuận trong giai đoạn ba năm, trong khi những công ty còn lại chỉ tăng trưởng 37% trong cùng thời kỳ.
Theo một nghiên cứu khác do DXC và báo The Economist thực hiện và công bố, 68% giới lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cho biết tăng trưởng lợi nhuận trong ba năm qua là hệ quả của sự chuyển đổi kỹ thuật số, và 74% nhận định lợi nhuận tăng là nhờ chiến lược công nghệ số của họ.
Trong bối cảnh đó, trang mạng Information Age đã đưa ra năm xu thế chuyển đổi công nghệ kỹ thuật số lớn mà giới doanh nghiệp cần nắm bắt trong năm 2020.
1. IoT là động lực của tăng trưởng công nghệ số
Ước tính đã có gần 27 tỷ thiết bị sử dụng IoT trên thế giới tính đến tháng 8/2019 và con số này dự kiến sẽ tăng lên 75 tỷ vào năm 2025. Hiện có khoảng 8,4 tỷ thiết bị kết nối trên khắp thế giới.
Dù không cao như ước đoán trước đó của giới chuyên gia, song ý nghĩa của IoT không chỉ ở việc giúp thiết bị thông minh thu thập và lưu trữ dữ liệu.
Thay vào đó, tầm quan trọng của IoT đó là giúp những công nghệ như phân tích nâng cao (advanced analytics), mạng viễn thông 5G, công nghệ cảm biến và điện toán biên (edge computing) trở nên thực sự hiệu quả.
Với những luồng dữ liệu khổng lồ từ các thiết bị thông minh, giới doanh nghiệp hiện đặc biệt tập trung vào hệ thống phân tích, dựa trên AI, để từ đó có thể đưa ra hành động thích hợp.
Do hầu hết công ty đều muốn có thông tin ở thời gian thực (real-time), hoặc gần thực tế nhất có thể, doanh nghiệp truyền thông cần phải phát triển những mạng lưới chuyển tải nhanh chóng và hiệu quả khối dữ liệu lớn trong thời gian ngắn nhất có thể.
Đó là lí do mạng viễn thông 5G đang được đặc biệt chú ý.
Cùng với việc thiết bị IoT đang rất phổ biến, nhiều doanh nghiệp sẽ nhận thấy xử lí dữ liệu ở nhiều nơi sẽ lợi ích hơn việc tập trung trên một server chính, từ đó dẫn đến sự phát triển của các hệ thống điện toán biên.
2. Tốc độ là số 1
Trong kỷ nguyên số, nguyên tắc cạnh tranh cơ bản chưa bao giờ thay đổi. Để đạt lợi ích kinh doanh, phải là người đi đầu và cũng là người tốt nhất.
Đi trước đồng nghĩa với việc phải xâm nhập thị trường và có lượng khách hàng cụ thể trước khi cạnh tranh trong giới bắt đầu, tạo nguồn cung cần thiết để đưa ra sản phẩm hoặc dịch vụ trước tiên, cũng như có năng lực nhanh chóng quy hoạch, phân bổ nhân sự khi công ty mở rộng quy mô.
Tất cả những điều này đòi hỏi một tiến trình xử lý nhanh chóng, với những cách thức tìm kiếm thông tin thông minh và nhanh hơn cũng như phương thức đánh giá và phân loại dữ liệu nhanh và hiệu quả hơn.
3. Sự bùng nổ của blockchain
Với giá trị của Bitcoin hiện được định giá ở mức cao nhất mọi thời đại, điều dễ hiểu là công nghệ tiếp sức cho tiền ảo bắt đầu nhận được sự quan tâm lớn.
Một nghiên cứu mới đây của hãng kiểm toán Deloitte cho hay 55% số người tham gia cho biết blockchain đang được ưu tiên hóa trong tổ chức của họ, tăng 10 điểm % so với năm 2018.
Vậy Blockchain còn tác dụng nào khác ngoài việc giúp ẩn danh trong giao dịch bitcoin?
Thực tế cho thấy blockchain cũng rất hữu ích đối với bất cứ hàng hóa nào đòi hỏi xuất xứ, từ rượu vang đến những sản phẩm chuyển vận quốc tế; hay các hệ thống thanh toán nội dung bản quyền; thậm chí còn được ứng dụng để thiết lập cơ sở hạ tầng sạc xe điện.
Và đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi."
Khu trải nghiệm sản phẩm Ứng dụng chẩn đoán bệnh da liễu đầu tiên tại Việt Nam - DêpClinics. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
4. AI
AI là một trong những cụm từ nhận được nhiều phản ứng hứng thú nhất thời gian qua.
Người làm công có thể lo lắng, sợ hãi việc “những đội quân” robot sẽ thay thế họ, trong khi giới chủ lại nghĩ đến những khoản lợi nhuận mà AI có thể mang lại khi được ứng dụng ngày càng nhiều.
Hiện AI phần lớn được sử dụng như những chatbot trong tiếp xúc khách hàng, và không thành công lắm.
Tuy nhiên, do công nghệ ngày càng phát triển, nhiều ứng dụng AI hơn có thể sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng cơ sở của mình, đặc biệt trong những lĩnh vực như tiếp thị, phân tích, dịch vụ khách hàng và tự động hóa.
AI giúp doanh nghiệp hình thành chiến lược marketing và kế hoạch kinh doanh thông qua phân tích, tổng hợp dữ liệu.
Nó cũng có thể giúp các nhà sản xuất sản xuất hiệu quả hơn, thông qua phân tích hoạt động, hay như giúp chính phủ phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất.
Thậm chí, AI cũng giúp giới nghiên cứu y tế phân tích dữ liệu bệnh nhân nhằm xác định những liệu trình điều trị thích hợp và tốt hơn.
5. Từ Itops đến NoOps: Quản lý dữ liệu thông minh
Theo truyền thống, bộ phận IT luôn chịu trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến máy tính trong một tổ chức.
Dù cơ cấu này là thuận tiện khi vấn đề nảy sinh, song lại khó để quản lý nguồn lực do bộ phận quản lý thường không hiểu vấn đề liên quan đến IT.
Chính vì thế, thông qua chuyển nhiều dịch vụ và ứng dụng lên “đám mây”, các tổ chức sẽ có khả năng quản lý tốt hơn. Trong bối cảnh đó, xu hướng lớn tiếp theo chính là sự tự động hóa của Itops, bằng cách áp dụng những hệ thống thông minh, dựa trên AI, giúp mọi hoạt động trở nên nhịp nhàng hơn.
Trong môi trường máy tính NoOps tự động và ứng dụng AI, những việc như cập nhập hay thay đổi hệ thống được các hệ thống thông minh tự động thực hiện, qua đó tránh được khả năng sai sót của con người.
Tuy nhiên, để áp dụng thành công AI cho bộ phận IT hay những bộ phận khác, các tổ chức cần phải sẵn sàng cho ý tưởng này.
Bởi nó đồng nghĩa nhiều bộ phận sẽ phải từ bỏ quyền kiểm soát trong nhiều năm, cũng như làm quen với cách thức mới.
Để khắc phục, cần phải đảm bảo mọi nhân viên đều hiểu rõ tình thế và giới quản lý cũng cần phải nhận thức AI cần phải là một phần hợp nhất trong hoạt động của cả tổ chức.