Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản và công ty chứng khoán chịu sức ép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có tuần biến động mạnh và giảm tới gần 50 điểm, thanh khoản vẫn là vấn đề nhức nhối khi trồi sụt và kém ổn định. Dòng tiền vẫn tập trung xả những nhóm ngành lớn và nhạy cảm nhất là bất động sản và công ty chứng khoán.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản và công ty chứng khoán chịu sức ép

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 47,41 điểm (-4,28%), xuống 1.060,62 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 70.404 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 5,7%.

Chỉ số HNX-Index giảm 10,41 điểm (-4,56%), xuống 218,04 điểm. Thanh khoản trên sàn HNX đạt hơn 9.183,29 tỷ đồng, giảm 10,5% so với tuần trước.

Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.

Thủ tướng ký công điện số 993 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu NHNN thúc đẩy tín dụng cho bất động sản.

Mặc dù vậy, tuần qua nhóm cổ phiếu bất động sản lại giảm khá sâu với các mã như VHM (-11,91%), VRE (-13,9%), LGL (-10,31%), NBB (-8,84%), NDN (-8,65%), CII (-7,08%) ...

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng lao dốc với MBS (-10,6%), AGR (-10,3%), FTS (-10,2%), PSI (-10,11%), VIX (-9,33%) ...

Trong khi đó các cổ phiếu ngân phân hóa, với một số khá tích cực như LPB (+5,15%), SSB (+4,5%), BID (+3,7%), VCB (+0,24%), trong khi ở chiều ngược lại NVB (-11,5%), PGB (-9,43%), VPB (-6,48%), MSB (-5,38%)...

Trên sàn HOSE, chỉ có hai mã vượt trội là YEG và TIX so với phần còn lại ở nhóm cổ phiếu tăng điểm. Trong đó, TIX gần như không có thanh khoản, còn YEG khớp lệnh trồi sụt, khi có phiên cao nhất hơn 1,5 triệu đơn vị, có phiên chỉ 0,16 triệu đơn vị.

Ở nhóm giảm sâu, đáng kể có hai bluechip là MSN và VRE. Trong khi VNE vẫn chịu sức ép lớn trong tuần thứ hai liên tiếp, sau khi là mã lao dốc mạnh nhất sàn với mức giảm hơn 28%.

Hai cổ phiếu ANV và DCM chịu hiệu ứng từ kết quả kinh doanh quý III/2023 sụt giảm mạnh. Trong đó, ANV báo cáo lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn lãi gần 120 tỷ đồng.

Tương tự, DCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III chỉ đạt hơn 74 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm trước.

Trên sàn HNX, khá nhiều cổ phiếu chịu sức ép với những cái tên đáng chú ý như TAR, SPI, VC7 khi có thanh khoản luôn đứng trong số những mã tốt nhất sàn.

Trong đó, cổ phiếu TAR bị bán tháo trong hai phiên cuối tuần khi chịu áp lực từ việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 30/10 tới. Nguyên nhân do, TAR chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2023 đã soát xét quá 45 ngày so với quy định.

Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần này khá ảm đạm về giao dịch, khi đa phần chỉ vài trăm đến vài nghìn đơn vị/phiên.

Đáng chú ý, tuần này UpCoM chào đón tân binh HIO của CTCP Helio Energy đăng ký giao dịch và có phiên đầu tiên vào phiên 23/10 với giá tham chiếu 10.600 đồng đã liên tiếp tăng ba phiên sau đó, với mức tăng 39,6%, 15% và 9,9%, trước khi giảm 11,5% và 11,7% sau đó.

Giá cổ phiếu HIO chốt tuần ở 15.100 đồng, tương đương +42%, thanh khoản khớp lệnh 4 trên 5 phiên có trên dưới 0,3 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục