Giá dầu dự báo neo ở mức cao
Xung đột Hamas - Israel là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu thế giới có diễn biến tăng. Chốt phiên 19/10, giá dầu thô Brent giao tháng 12 đạt 92,38 USD/thùng, dầu WTI giao tháng 11 đạt 89,37 USD/thùng.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), giá dầu thô Brent trước đó tạo đáy ở dưới 75 USD/thùng vào tháng 6/2023. Nhu cầu dầu thô được dự báo sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2023 - 2024, với động lực chủ yếu là các nhân tố ở phía nguồn cung như OPEC gia hạn việc cắt giảm sản lượng và tồn kho dầu thô tại các quốc gia thành viên tiếp tục ở mức thấp.
Trong khi đó, nhu cầu được kỳ vọng phục hồi với động lực chính từ Trung Quốc sẽ khiến chênh lệch cung - cầu dầu thô thế giới thắt chặt hơn.
Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ khác về kinh tế và địa chính trị có thể khiến giá dầu neo ở mức cao. Giá dầu Brent có thể đạt trung bình 93 USD/thùng trong quý IV/2023 và 92 USD/thùng trong năm 2024.
Trong nước, bên cạnh sự tiến triển trong tiến độ chuỗi dự án Lô B - Ô Môn, giá nhiều cổ phiếu ngành dầu khí phản ứng tích cực với đà tăng của giá dầu thô thế giới, vì đây sẽ là động lực thúc đẩy các hoạt động thượng nguồn và hỗ trợ đà tăng của giá cước vận tải dầu, giá bán khí, cũng như chênh lệch giá crack (chênh lệch giá giữa một đơn vị sản phẩm thô và sản phẩm tinh chế) của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có triển vọng sáng
Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) được đánh giá sẽ tiếp tục có nguồn công việc ổn định đến hết năm 2024, bởi nguồn cung giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á nhiều khả năng duy trì ở mức thấp, trong khi nhu cầu dần tăng cao và các dự án thượng nguồn dầu khí trong nước đang tiến triển. Tỷ lệ huy động giàn khoan tự nâng tại Đông Nam Á hiện đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Giá dầu Brent tăng sẽ hỗ trợ cho việc tăng giá thuê giàn khoan tại các hợp đồng tái ký mới trong giai đoạn 2023 - 2024. MBS dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PV Drilling có thể đạt 441 tỷ đồng (năm ngoái lỗ 155 tỷ đồng) và tiếp tục tăng trong năm 2024.
Tương tự, giá dầu tăng được kỳ vọng giúp Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) nâng giá thuê theo ngày dịch vụ kho nổi FSO/FPSO. Lợi nhuận của PTSC được kỳ vọng tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2023 - 2024.
Đối với Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas, mã chứng khoán GAS), giá dầu thô tăng sẽ hỗ trợ giá bán khí ở mức cao và kết quả kinh doanh năm 2023 giảm ít hơn so với dự kiến trước đó. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của
PVGas được dự báo giảm 10% so với mức nền cao của năm 2022, nhưng sang năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng 11%. PVGas có vai trò quan trọng trong việc cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho các nhà máy điện khí, dự án khí điện Lô B - Ô Môn.
Ở lĩnh vực vận tải dầu khí, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT), giá dầu thô tăng sẽ tác động tích cực đến việc tái ký hợp đồng vận tải dầu thô vào tháng 11/2023 tới, nhưng tác động tiêu cực đến chi phí vận chuyển. Lợi nhuận sau thuế của PVTrans năm 2023 được kỳ vọng tăng 7,7% so với năm 2022. Doanh nghiệp đang triển khai mở rộng đội tàu nhằm tạo thêm dư địa tăng trưởng dài hạn.
Với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR), kết quả kinh doanh quý IV/2023 được nhận định sẽ khả quan nhờ nhu cầu tiêu thụ xăng máy bay tăng trưởng, chênh lệch giá crack (crack spread) xăng và diesel tại châu Á có thể duy trì ở mức cao theo đà tăng của các loại dầu thành phẩm. Việc crack spread tham chiếu tăng nhờ tình trạng khan hiếm nguồn cung sản phẩm dầu tại châu Á sẽ giúp kết quả kinh doanh của Công ty trong nửa cuối năm 2023 tích cực hơn so với nửa đầu năm.
Tuy nhiên, giá dầu thô tăng sẽ khiến chi phí giá vốn của doanh nghiệp tăng, có thể ảnh hưởng tới biên lợi nhuận gộp nếu giá bán các sản phẩm dầu không kịp thời điều chỉnh tương ứng.