Vào phiên sáng 16/10, nhiều cổ phiếu dầu khí tăng mạnh, trong đó, PVD tăng đến 4,75%, BSR tăng 4,29%, PSH cũng tăng 4,27%. Ngoài ra, PVS cũng không đứng ngoài cuộc khi tăng 3,26%. Hiệu ứng tích cực từ giá dầu cũng thúc đẩy hàng loạt loạt cổ phiếu nhóm này bứt phá ngược dòng thị trường.
Trong phiên chiều, bất chấp việc thị trường giảm mạnh và mất hơn 13 điểm, nhóm dầu khí vẫn duy trì sức hút khi sắc xanh gần như tuyệt đối khi đóng cửa, dù đà tăng không còn mạnh như phiên sáng.
Giá đóng cửa nhóm cổ phiếu dầu khí ngày 16/10. |
Về giá dầu khí, cập nhật tại thời điểm 10h06 (theo giờ Việt Nam) trên Trading Economics, giá dầu Brent có giá 91,06 USD/thùng, tăng 0,19% so với phiên trước đó. Giá dầu WTI có giá 87,79 USD, tăng 0,12% so với phiên trước. Tuy nhiên, đến 15h chiều, cả hai loại trên đều quay đầu giảm, riêng Brent đã lùi về dưới mốc 91 USD/thùng xuống còn 90,70 USD/thùng. Nhìn chung, giá dầu vẫn đang trong xu hướng tăng.
Theo Reuters, giá dầu thô leo dốc xuất phát từ hai nguyên nhân chính, bên cạnh xung đột Hamas và Israel, còn do Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với các chủ tàu chở dầu của Nga. Cụ thể là Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với các chủ tàu chở dầu của Nga có giá cao hơn mức giá trần 60 USD/thùng thuộc G7 để thực thi các biện pháp nhằm trừng phạt Nga.
Trong khi đó, chiến sự giữa Israel - Hamas bùng phát làm tình hình chính trị khu vực Trung Đông thêm căng thẳng hơn, thúc đẩy căng thẳng mới cho thị trường hàng hoá cũng gia tăng mối lo ngại về nguồn cung trên thị trường dầu.
Theo ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), mặc dù hiện tại, căng thẳng trong khu vực Trung Đông chưa gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến nguồn cung dầu, nhưng nếu chiến sự lan rộng ra cấp độ khu vực, hoặc kéo theo nhiều quốc gia đồng minh quan trọng khác có quyền lực trên thị trường dầu mỏ thì giá dầu có thể tăng nóng.
MBS Research lý giải rằng, tuy Israel và Palestine đều không phải là những nước khai thác dầu lớn trên thế giới, vị trí địa lý của cuộc xung đột này lại thuộc khu vực khai thác dầu quan trọng, do đó gián tiếp khiến giá dầu tăng trở lại sau chuỗi giảm vì lo ngại kinh tế ảm đạm. Nhóm phân tích cho rằng, giá dầu sẽ chịu ảnh hưởng một cách trực tiếp hơn khi cuộc xung đột giữa hai bên này mở rộng thành chiến tranh khu vực.
MBS Research cũng dự báo, nguồn cung dầu thô trên thế giới trong giai đoạn 2023 - 2024 sẽ khan hiếm do những động thái cắt giảm chủ động từ OPEC+, trong khi nhu cầu được kỳ vọng phục hồi với động lực chính từ Trung Quốc sẽ khiến chênh lệch cung - cầu dầu thô thế giới thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ khác về kinh tế và địa chính trị cũng có thể khiến giá dầu thô thế giới neo cao. MBS kỳ vọng giá dầu thô Brent trên thế giới sẽ đạt mức trung bình 93 USD/thùng trong quý IV năm 2023 và đạt 92 USD/thùng trong năm 2024.
Nhìn chung, ông Quang dự báo thị trường thị trường dầu sẽ tiếp tục thâm hụt nguồn cung trong quý IV năm nay, khi nhóm OPEC+ cam kết duy trì kế hoạch hạn chế sản lượng, trong khi tăng trưởng kinh tế các nước tiêu thụ lớn như Mỹ, Trung Quốc được đánh giá lạc quan hơn. Điều này vẫn sẽ nguyên nhân đẩy giá dầu tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, MBS nhận thấy, trong thời gian tới, có 4 yếu tố về nguồn cầu sẽ có tác động tích cực đến giá dầu.
Thứ nhất, hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới tích cực hơn. Thứ hai, nhu cầu du lịch thế giới hồi phục thúc đẩy tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu bay. Thứ ba, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại. Thứ tư, tồn kho dầu suy giảm tại Mỹ và OECD.
Về nguồn cung, việc OPEC+ tiếp tục gia hạn cắt giảm sản lượng hoặc duy trì mức sản lượng thấp đến cuối năm 2023 và xung đột chính trị tiếp tục căng thẳng, thậm chí bùng nổ sẽ hỗ trợ cho giá dầu.
Riêng với nhóm cổ phiếu dầu khí, MBS đánh giá, giá của các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí trong nước hầu hết có biến động cùng pha và khá tương quan với biến động giá dầu thô thế giới. Dựa trên quan điểm tích cực về giá dầu bên trên, MSB cho rằng giá cổ phiếu ngành dầu khí cũng sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2024.