Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 71,27 điểm (-5,91%), xuống 1.132,11 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng, khối lượng tăng 18,1% lên 2.841 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 14,19 điểm (-5,37%), xuống 250,25 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 1,2% so với tuần trước đó xuống 6.502 tỷ đồng, khối lượng tăng 4,6% lên 332 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực nhất, ảnh hưởng do giá dầu thô tiếp tục sụt giảm và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến cho nhu cầu đi xuống, với các cổ phiếu như BSR (-11,8%), OIL (-9,8%), PVD (-10,8%), PVS (-8,8%), PVB (-18,1%), PVC (-13,5%), PLX (-11,56%), PSH (-5,6%) ...
Tiếp theo là nhóm ngành nguyên vật liệu với DGC (-17%), DPM (-5,4%), DCM (-7%), CSV (-8,5%), HPG (-6,6%), HSG (-8,6%), NKG (-13,5%), TLH (-11,8%) ...
Các ngành còn lại đều giảm mạnh như: Tài chính (-7,1%), dịch vụ tiêu dùng (-6,6%), hàng tiêu dùng (-5,9%), tiện ích cộng đồng (-4%), ngân hàng (-3,9%), công nghệ thông tin (-3,1%), dược phẩm và y tế (-2,6%).
Trên sàn HOSE, chỉ có năm cổ phiếu có mức tăng trên 10% trong tuần này, trong đó, LEC tăng tới gần 40% và là tuần thứ hai liên tiếp mã này tăng mạnh nhất sàn. Tuần trước LEC +39,81%.
Cổ phiếu LEC đã có liên tiếp 12 phiên tăng liên tiếp từ ngày 15/9 đến 30/9, trong đó, có tới 10 phiên tăng kịch trần, một phiên tăng sát giá trần +6,98% và một phiên ngày 15/9, khởi đầu cho chuỗi tăng giá nhích +0,3%.
Dù vậy, thanh khoản lại là vấn đề đối với LEC, khi khối lượng giao dịch trong các phiên đều chỉ ở mức thấp với vài nghìn đơn vị khớp lệnh/phiên, ngoại trừ một số phiên có hơn 17.000, hơn 24.000 đơn vị.
Trong ngày 30/9, LEC đã có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu tăng. Theo đó, hoạt động kinh doanh của LEC vẫn diễn ra bình thường, việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp là do cung cầu trên thị trường.
Tương tự là cổ phiếu CTF, khi có tuần thứ hai liên tiếp lọt top tăng tốt nhất sàn. Tuần trước, CTF +9,24%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng bị bán tháo mạnh mẽ, chiếm một nửa trong số những mã giảm sâu nhất sàn, với nhiều cái tên như DXG, DXS, LHG, IJC, TGG. Trong đó, DXS là cổ phiếu giảm sâu nhất, mất gần 30% và lùi về vùng đáy tháng 6/2020.
Cổ phiếu HAH, TGG cũng có tuần thứ hai liên tiếp nằm trong số các cổ phiếu bị bán mạnh nhất. Tuần trước, HAH giảm 12,85%, còn TGG giảm 19,7%.
Nhóm cổ phiếu nông nghiệp với những cái tên quen thuộc tuần này bị xả không tiếc tay đáng kể còn có AGM, IDI và DBC.
Trên sàn HNX, cổ phiếu CX8 một tuần nữa là quán quân tăng giá, sau khi +30,23% trong tuần trước. Nhưng thanh khoản ở mức rất thấp, chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên.
Ở nhóm giảm giá, đáng kể có khá nhiều cổ phiếu thuộc top có khối lượng giao dịch cao trong các phiên, như DVG, CEO, TAR, L14…
Trong đó, CEO đã về vùng đáy từ tháng giữa tháng 11/2021 và hiện đã giảm gần 80% từ vùng đỉnh lịch sử thiết lập vào những phiên đầu năm 2022.
Trên UpCoM, cổ phiếu EPC thêm một tuần có mức tăng 100%, nhưng giao dịch cũng rất khiêm tốn với chỉ vài trăm đơn vị khớp lệnh trong các phiên.
Cổ phiếu CFV lại “nổi sóng”. Sau khoảng thời gian tăng phi mã, với nghi án được ban lãnh đạo Công ty đặt nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường tác động đến giá cổ phiếu, thì cổ phiếu này đã chững lại và tuần qua quay đầu giảm mạnh với 3 phiên có giao dịch 100 đơn vị đều giảm sàn.