Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Một số cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút lực cầu mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có tuần giảm điểm mạnh, ảnh hưởng bởi nhóm trụ cột ngân hàng cũng như áp lực điều chỉnh tại các bluechip. Trong khi đó, một bộ phận dòng tiền dịch chuyển và hướng sang các mã vừa và nhỏ giúp không ít nổi sóng như KHP, OGC và QCG.
Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Một số cổ phiếu nhỏ tiếp tục hút lực cầu mạnh

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 32,74 điểm (-2,55%), xuống 1.252,72 điểm. Thanh khoản giảm nhẹ so với tuần trước đó khi khối lượng khớp lệnh -3,01% tại HOSE.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục bị rút ròng mạnh, trở thành gánh nặng cho thị trường chung.

Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III chưa thể trở thành động lực thu hút dòng tiền trước sức ép điều chỉnh đến từ động thái hút ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuần qua.

Chỉ số VN-Index giảm mạnh về gần hỗ trợ xa 1.250 điểm. Tuy nhiên xu hướng chững lại của DXY và động thái của NHNN giảm lượng hút ròng, đồng thời bán ra USD có thể tạo kỳ vọng rằng quá trình cân bằng sẽ sớm hình thành trong tuần tới.

Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng, với những cái tên như KHP, CIG, OGC và đặc biệt là QCG, khi mã này có tuần thứ hai liên tiếp thuộc top tăng mạnh nhất sàn. Tuần trước, QCG tăng gần 32%.

Trong khi đó, cổ phiếu KHP có hai phiên tăng kịch trần cuối tuần và giúp mã này trở lại mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2022, khớp lệnh cũng tăng mạnh so với thời gian gần đây dù chỉ có trên dưới 0,5 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác còn có sự xuất hiện của mã ngân hàng EIB và cổ phiếu xây dựng CTD, đi kèm thanh khoản ở mức tích cực.

Ở chiều ngược lại, nhóm các cổ phiếu nhỏ bị bán mạnh, với hai cái tên mới đây bị chuyển sang diện hạn chế giao dịch là PSG và RDP dẫn đầu mức giảm.

Một số những cái tên bất ngờ xuất hiện như VOS, BSI và bluechip GVR, dù gần đây không có thông tin nào quá tiêu cực.

Trên sàn HNX, cổ phiếu BKC của CTCP Khoáng sản Bắc Kạn tăng mạnh nhất với 4 trên 5 phiên giao dịch đều tăng kịch trần. Thanh khoản tuy chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh, nhưng cũng là bất ngờ khi nhiều phiên trước đó trắng giao dịch.

Trên UpCoM, phần lớn các cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất đều không có diễn biến đáng kể nào khi thanh khoản ở mức rất thấp.

Ngoại trừ cổ phiếu LTG, khi vẫn đang chịu sức ép từ tình hình nội bộ công ty khiến giá cổ phiếu bị bán tháo và lùi về mức thấp nhất lịch sử. Tính từ mức đỉnh cao nhất trong năm nay tại hơn 28.000 đồng vào giữa tháng 3, thì cổ phiếu LTG đã mất khoảng hơn 70%.

Trong tuần, LTG đã có thông báo chốt danh sách cổ đông vào 12/11/2024 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến được tổ chức trong khoảng thời gian từ 07/12 đến 31/12/2024.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục