“OPEC không đứng sau đợt tăng giá này”, Tổng thư ký mới của OPEC, Haitham Al Ghais cho biết.
“Có những yếu tố khác ngoài OPEC thực sự đứng sau mức tăng đột biến mà chúng tôi đã thấy đối với khí đốt và dầu mỏ. Và một lần nữa, tôi nghĩ tóm lại, đối với tôi, đó là tình trạng thiếu đầu tư kinh niên”, ông nói thêm.
“Đây là thực tế phũ phàng mà mọi người phải thức tỉnh và các nhà hoạch định chính sách phải thức tỉnh. Khi điều đó được nhận ra, tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu nghĩ ra giải pháp ở đây. Và giải pháp với OPEC là rất rõ ràng: đầu tư, đầu tư, đầu tư”, ông cho biết.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào tháng 6 rằng, đầu tư năng lượng toàn cầu đang trên đà tăng 8% trong năm nay, đạt 2.400 tỷ USD, với hầu hết mức tăng dự kiến chủ yếu đến vào năng lượng sạch.
IEA cũng mô tả những quy mô này là "đáng khích lệ", nhưng cảnh báo mức đầu tư vẫn chưa đủ để giải quyết nhiều chiều của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đối với dầu và khí đốt, IEA cho biết, đầu tư đã tăng 10% so với năm ngoái, nhưng vẫn ở mức “thấp hơn rất nhiều” so với năm 2019. IEA cho biết, giá nhiên liệu hóa thạch cao ngày nay đã cung cấp "cơ hội chỉ có một lần" cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu và khí đốt để trải qua một sự chuyển đổi rất cần thiết.
IEA trước đây đã nói rằng, các nhà đầu tư không nên tài trợ cho các dự án cung cấp dầu, khí đốt và than mới nếu thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này. Vì việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như dầu, khí đốt và than là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo vào tháng 4 rằng, việc tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới là "sự điên rồ về đạo đức và kinh tế".
“OPEC đang làm phần việc của mình”
Bình luận của ông Al Ghais được đưa ra ngay sau khi OPEC+ đã gây ngạc nhiên cho những người tham gia thị trường tại cuộc họp ngày 3/8 khi công bố kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.
OPEC+ cho biết: “Công suất dự phòng đang bị hạn chế nghiêm trọng”, có nghĩa là cần phải tiến hành một cách “hết sức thận trọng”.
Khi được hỏi liệu OPEC có nên gánh chịu trách nhiệm về việc giá năng lượng tăng cao dẫn đến lạm phát hay không, ông Al Ghais trả lời: “Không, hoàn toàn không. Vấn đề đầu tiên là tất cả đều mang tính tương đối. Thứ hai là OPEC đang làm phần việc của mình. Chúng tôi đã và đang tăng sản lượng phù hợp với những gì chúng tôi thấy và một cơ chế dần dần rất minh bạch. Chúng tôi đang làm mọi cách để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng, nhưng có những yếu tố kinh tế thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC”.
Giá dầu đã giảm trong những tuần gần đây trong bối cảnh lo ngại mới về suy thoái kinh tế toàn cầu và triển vọng nhu cầu sụt giảm. Giá dầu Brent giao đang giao dịch quanh mức 92 USD/thùng trong khi giá dầu WTI đang giao dịch quanh mức 86 USD/thùng.
Mối quan hệ của OPEC với Nga là vững chắc
Về mối quan hệ của liên minh năng lượng với Nga, ông Al Ghais cho biết, OPEC có mối quan hệ “vững chắc” với Moscow và họ luôn tìm cách tách rời chính trị khỏi mục tiêu ổn định thị trường.
“Trước hết, nếu nhìn vào lịch sử, những thách thức như vậy không phải là mới đối với OPEC và lịch sử OPEC”, ông Al Ghais cho biết trích dẫn cuộc chiến Iran-Iraq những năm 1980 và ở Kuwait năm 1990.
“Chúng tôi luôn cố gắng trong các cuộc họp của mình để tách biệt chính trị và các khía cạnh chính trị khỏi những gì chúng tôi làm về quản lý cân bằng thị trường và về những gì chúng tôi làm với tư cách là OPEC+, tôi nghĩ phương pháp luận là rõ ràng”, ông cho biết.
“Sự lãnh đạo của Nga trong việc ủng hộ tuyên bố hợp tác đã rõ ràng kể từ ngày đầu tiên, kể từ năm 2017. Mối quan hệ này là vững chắc về mặt quản lý thị trường”, ông cho biết thêm.
Nguồn cung từ Iran
Sự sụt giảm của giá dầu trong tuần này chủ yếu do các dấu hiệu cho thấy quốc gia thành viên OPEC - Iran sắp khôi phục một hiệp định hạt nhân có thể giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động buôn bán dầu của nước này. Theo IEA, Tehran có thể tăng thêm khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng kể từ thỏa thuận được thông qua.
Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu vẫn đủ cao để hấp thụ bất kỳ nguồn cung bổ sung nào từ Iran, miễn là dầu được giải phóng một cách có trách nhiệm và dần dần.
Ông Al-Ghais cho biết, với quá nhiều sự không chắc chắn, còn quá sớm để nói liên minh OPEC+ sẽ quyết định gì trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 5/9.
“Chúng tôi đã chứng minh hết lần này đến lần khác rằng chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để làm những gì thị trường thực sự yêu cầu”, ông cho biết.