Người đứng đầu OECD khẳng định kịch bản trên nếu thành hiện thực sẽ ảnh hưởng không tốt tới cả Anh, châu Âu và toàn thế giới, trong đó có Mỹ.
Theo Washington Post, Brexit, tức Anh rút khỏi EU, có thể tạo ra "làn sóng các đòn tấn công" nhằm vào toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Riêng Mỹ, vốn là nhà đầu tư rất lớn vào kinh tế Anh, sẽ chịu tác động đáng kể, bởi nhiều công ty Mỹ coi Anh là "cánh cửa" cho quan hệ tự do thương mại với 28 nước EU.
Nếu Anh rời khỏi EU thì cánh cửa trên có thể không còn, thu nhập của các công ty Mỹ sẽ bị giảm sút, buộc nhiều công ty Mỹ phải chuyển hoạt động hợp tác, đầu tư tại EU sang những địa chỉ khác.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo sự phát triển của kịch bản tiêu cực này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Anh giảm 5,6% trong vòng 3 năm tới.
Các chuyên gia IMF cũng khuyến cáo cử tri Anh về nguy cơ giảm giá của đồng bảng Anh và sự sụt giảm trao đổi thương mại giữa Anh với các nước láng giềng thuộc châu Âu. Nếu xảy ra Brexit, GDP của Anh sẽ giảm 0,8% trong năm 2017.
Ngược lại nếu vẫn là thành viên EU kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 2,2%. Không những thế khi chia tay EU, Anh sẽ phải thương lượng các điều khoản rời khỏi EU và mối quan hệ mới với EU.
Tất cả những điều này phải mất nhiều năm mới giải quyết được, qua đó tác động mạnh tới hoạt động đầu tư và kinh tế.