Ngoài lo lắng về Brexit, giới đầu tư cũng đang chờ đợi cuộc họp của Fed sẽ diễn ra trong ngày thứ Ba và thứ Tư với lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất.
Những lo ngại trên khiến chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của phố Wall tăng vọt lên mức 21, mức cao nhất kể từ 25/2 và đẩy phố Wall tiếp tục giảm điểm, trong đó Dow Jones đóng cửa thấp nhất ngày.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Dow Jones giảm 132,86 điểm (-0,74%), xuống 17.732,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,01 điểm (-0,81%), xuống 2.079,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,11 điểm (-0,94%), xuống 4.848,44 điểm.
Tương tự, lo ngại Brexit cũng khiến giới đầu tư châu Âu tiếp tục bán tháo trong phiên đầu tuần mới, kéo chứng khoán khu vực này xuống mức thấp nhất 3 tuần.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 70,79 điểm (-1,16%), xuống 6.044,97 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 177,18 điểm (-1,80%), xuống 9.657,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 79,70 điểm (-1,85%), xuống 4.227,02 điểm.
Cùng chung nỗi lo Brexit, chứng khoán châu Á cũng bị bán tháo mạnh trong phiên đầu tuần và đồng loạt lao dốc. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản xuống mức thấp nhất 2 tháng, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng có ngày giảm tệ nhất trong 4 tháng. Chứng khoans Trung Quốc đại lục cũng lao dốc hơn 3,2% trong phiên này.
Kết thúc phiên 13/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 582,18 điểm (-3,51%), xuống 16.019,18 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 529,65 điểm (-2,52%), xuống 20.512,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 94,09 điểm (-3,21%), xuống 2.833,07 điểm.
Lo ngại về kinh tế toàn cầu và Brexit khiến giới đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán để chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn là vàng, qua đó giúp giá kim loại quý này tăng mạnh trong phiên đầu tuần mới, lên mức cao nhất 4 tuần. Tuy nhiên, giá vàng vẫn chưa thể tự do bứt phá khi giới đầu tư đang nghe ngóng thông tin từ cuộc họp của Fed sắp diễn ra.
Kết thúc phiên 13/6, giá vàng giao ngay tăng 10,5 USD (+0,83%), lên 1.283,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,6 USD (+0,83%), lên 1.286,9 USD/ounce.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng có thể xảy ra do Brexit và nguồn cung đang dần hồi phục khi số lượng giàn khoan của Mỹ có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, trong khi hoạt động sản xuất tại Canada cũng đã trở lại sau khi gián đoạn do cháy rừng, khiến giá dầu thô tiếp tục giảm giá trong phiên đầu tuần mới. Tuy nhiên, mức giảm đã khiêm tốn hơn rất nhiều so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 13/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,19 USD (-0,39%), xuống 48,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,19 USD (-0,38%), xuống 50,35 USD/thùng.