Nỗi lo gia tăng, chứng khoán, dầu thô lao dốc

(ĐTCK) Lo ngại về Brexit, cungx như chờ đợi quyết định quan trọng của BOJ và Fed trong tuần tới, chứng khoán toàn cầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, thông tin về số lượng giàn khoan tăng khiến giá dầu thô lao dốc.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Sau chuỗi tăng mạnh và chạm tới các mức đỉnh của gần 1 năm, phố Wall đã bị đẩy trở lại trong phiên thứ Năm và giảm mạnh trong phiên cuối tuần, cùng với đà lao dốc của giá dầu thô.

Ngoài ra, sự thận trọng của nhà đầu tư trước hàng loạt thông tin quan trọng trong tuần tới cũng khiến phố Wall giảm điểm. Trong tuần, ngoài các dữ liệu kinh tế quan trọng, nhà đầu tư chờ đợi thông tin quan trọng từ cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Dow Jones giảm 119,85 điểm (-0,67%), xuống 17.865,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,41 điểm (-0,92%), xuống 2.096,07 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 64,07 điểm (-1,29%), xuống 4.894,55 điểm.

2 phiên giảm cuối tuần đã lấy hết thành quả trong tuần của phố Wall, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,33%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,15% và Nasdaq giảm 0,97%.

Chứng khoán châu Âu cũng lao dốc mạnh trong phiên cuối tuần khi liên tiếp nhận các thông tin không tích cực. Đầu tiên là việc tỷ lệ người Anh ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) tăng mạnh trước ngày bỏ phiếu (23/6), gây lo ngại cuộc khủng hoảng xảy ra với khu vực. Tiếp đến là giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu năng lượng. Ngoài ra, cổ phiếu của Lufthansa lao dốc sau sự ra đi bất ngờ của Giám đốc Tài chính cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán Đức nói riêng và cả khu vực nói chung.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 116,13 điểm (-1,86%), xuống 6.115,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 254,25 điểm (-2,52%), xuống 9.834,62 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 98,89 điểm (-2,24%), xuống 4.306,72 điểm.

2 phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến chứng khoán châu Âu có tuần giảm thứ 2 liên tiếp và xuống mức thấp nhất 4 tuần. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,51%, chỉ số DAX giảm 2,66% và chỉ số CAC 40 giảm 2,6%.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Fed trong tuần tới.

Thậm chí, chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất 3 tuần vào thứ Sáu sau báo cáo của Quản lý Quỹ Soros bày tỏ lo ngại về kinh tế toàn cầu và dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc, cũng như những bất ổn của các chính sách, kinh tế của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc vẫn đang trong kỳ nghỉ dài ngày.

Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 67,05 điểm (-0,4%), xuống 16.601,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 255,24 điểm (-1,20%), xuống 21.042,64 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikke 225 giảm 0,25%, chỉ số Hang Seng tăng nhẹ 0,46% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,39%.

Với những thông tin không tích cực về kinh tế và địa chính trị, nhất là khả năng Brexit xảy ra, giá vàng tiếp tục duy trì đà tăng, bất chấp đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 1 tuần.

Kết thúc phiên 10/6, giá vàng giao ngay tăng 3,8 USD (+0,3%), lên 1.273,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,6 USD (+0,28%), lên 1.276,3 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 2,4%, giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 2,69%. Như vậy, giá vàng đã có tuần tăng thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 4 tuần giảm thông trước đó.

Với viễn cảnh không khả quan của kinh tế toàn cầu và diễn biến hiện tại, giới phân tích và chuyên gia tiếp tục có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần tới.

Trong cuộc thăm dò tuần này, có 852 người tham gia, trong đó có 633 người, chiếm 74% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần tới, trong khi chỉ có 138 người, chiếm 16% dự báo giá sẽ giảm và 81 người, chiếm 10% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 21 chuyên gia trả lời, có 13 chuyên gia, chiếm 62% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn so với mức 57% trong tuần trước. Chỉ có 3 chuyên gia, chiếm 14% dự báo giá sẽ điều chỉnh và 5 người, chiếm 24% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô giảm mạnh hơn 3% trong phiên cuối tuần sau thông tin số lượng giàn khoan của Mỹ tuần qua tiếp tục tăng và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, áp lực chốt lời cũng như đồng USD phục hồi lên mức cao nhất 1 tuần cũng gây áp lực lên giá dầu thô.

Kết thúc phiên 10/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,49 USD (-3,04%), xuống 49,07 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,41 USD (-2,79%), xuống 50,54 USD/thùng.

Dù giảm trong 2 phiên cuối tuần, nhất là phiên giảm mạnh thứ Sáu, nhưng trong tuần, cả giá dầu thô Mỹ và giá dầu thô Brent đều có tuần tăng tiếp theo. Trong đó, giá dầu thô Mỹ tăng 0,93% và giá dầu thô Brent tăng 1,81%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục