Tổng thống Trump có thể làm gì trong giai đoạn cuối cùng của nhiệm kỳ?

0:00 / 0:00
0:00

Mặc dù ông Joe Biden đã được tuyên bố đắc cử, nhưng ông Donald Trump vẫn tiếp tục điều hành Nhà Trắng thêm 2 tháng nữa cho đến khi tân tổng thống nhậm chức.

Tổng thống Trump (đội mũ trắng) trở về Nhà Trắng từ sân golf ở Sterling, Virginia hôm 7/11. Ảnh: Reuters. Tổng thống Trump (đội mũ trắng) trở về Nhà Trắng từ sân golf ở Sterling, Virginia hôm 7/11. Ảnh: Reuters.

Trong quãng thời gian cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Trump có thể làm rất nhiều công việc, chẳng hạn như ban hành các sắc lệnh hành pháp, sa thải hay tuyển dụng nhân viên dưới quyền…

Nhà phân tích Rani Molla của VOX cho biết, không có bất cứ giới hạn nào giữa những điều một tổng thống có thể làm và không thể làm từ khi công bố kết quả bầu cử cho đến lễ nhậm chức của tổng thống kế nhiệm.

Chuyên gia Lindsay Cohn thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng: “Câu trả lời rất đơn giản, ông ấy có thể làm bất cứ điều gì trong giới hạn cho phép. Ông ấy vẫn là tổng thống và có tất cả các quyền hạn mà vị trí này mang lại”.

Gây khó khăn trong quá trình chuyển giao quyền lực

Khi tổng thống tiền nhiệm chuyển giao quyền lực cho tổng thống kế nhiệm, cần có một quy trình trật tự để đảm bảo chính phủ mới có thể tiếp tục hoạt động. Quá trình này bao gồm thông báo cho tân tổng thống về tình hình công việc và cho phép đội ngũ nhân viên mới tiếp cận với các thông tin quan trọng và các cơ quan liên bang.

Vào năm 2001, một vụ việc hi hữu đã xảy ra, đó là các nhân viên của cựu Tổng thống Clinton “nghịch ngợm” tháo phím W ra khỏi nhiều bàn phím trước khi đội ngũ của ông George W. Bush đến và sự việc đã bị coi là một vụ bê bối.

Nhưng lần này thì khác. Đến thời điểm hiện tại, chính quyền ông Trump vẫn từ chối ký vào bức thư chấp nhận chuyển giao quyền lực và giải ngân hàng triệu USD tài trợ cho tiến trình này.

Tờ Business Insider cho biết, cựu Thống đốc Virginia Terry McAuliffe đã thông báo với những người ủng hộ ông Biden rằng, ông và các thành viên khác của đảng Dân chủ có thể gây quỹ giúp việc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ trong trường hợp chính quyền ông Trump không đồng ý giải ngân số tiền nói trên.

Chậm trễ trong quá trình chuyển giao quyền lực có thể cản trở ông Biden nhanh chóng hoàn thành các chương trình nghị sự, đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp diễn và nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng. Họ sẽ khó nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.

“Sự thiếu hợp tác có thể gây cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan trong chính phủ. Điều đó không chỉ bất lợi cho ông Biden mà còn làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ cho người dân Mỹ”, chuyên gia Beth Simone Noveck thuộc trường Đại học New York cho biết.

Trong khi đó, đội ngũ của ông Biden đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc. Tổng thống đắc cử đã tuyên bố thành lập lực lượng chống Covid-19 vào hôm qua và dự định công bố các vị trí chủ chốt tại Nhà Trắng trong tuần này.

Ban hành các sắc lệnh hành pháp

Tổng thống Trump có quyền ban hành các sắc lệnh hành pháp mà ông muốn, mặc dù ông vẫn chưa đưa ra bất cứ cam kết nào cho đến nay.

Theo dữ liệu từ Dự án Tổng thống Mỹ của UC Santa Barbara, ông Trung đã ban hành 192 sắc lệnh hành pháp kể từ khi lên nắm quyền, nhiều hơn so với các cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush trong nhiệm kỳ đầu tiên. Một số nhà phân tích cho rằng, có khả năng ông sẽ ban hành thêm nhiều sắc lệnh khác trong khoảng 2 tháng tới.

Tuy nhiên, giáo sư sử học Allan Lichtman thuộc Đại học Mỹ nhận định, những sắc lệnh hành pháp được ban bố vào cuối nhiệm kỳ tổng thống thường không có sức ảnh hưởng lớn.

“Nếu ông Trump ban hành một lệnh cấm mới đối với người Hồi giáo, hay tăng cường các biện pháp ngăn chặn người nhập cư, hoặc bãi bỏ nhiều quy định quan trọng về môi trường… thì những sắc lệnh này sẽ khó có hiệu lực thực sự trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng chúng ta đều biết rằng, ông ấy không bị ràng buộc bởi các quy tắc dân chủ hay tiền lệ lịch sử”.

Joe Biden có thể bãi bỏ các sắc lệnh hành pháp của ông Trump ngay khi ông nhậm chức Tổng thống. Trước đó, ông Biden đã lên kế hoạch đảo ngược những chính sách của chính quyền Donald Trump về biến đổi khí hậu, nhập cư và y tế. Vấn đề ở chỗ việc đảo ngược một loạt sắc lệnh hành pháp mới sẽ mất nhiều công sức và thời gian, hơn nữa, một Quốc hội chia rẽ sẽ khiến việc này trở nên khó khăn hơn.

Todd Belt, giáo sư và giám đốc chương trình quản lý chính trị tại Đại học George Washington cho rằng, Tổng thống Trump có thể sẽ không cố ban hành luật mới trong thời điểm cuối nhiệm kỳ bởi nỗ lực này của ông chắc chắn khó vượt ải Hạ viện.

Lệnh ân xá

Ông Trump có quyền ban hành lệnh ân xá – một đặc quyền thường được các tổng thống sắp mãn nhiệm sử dụng rộng rãi trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ. Tổng thống Barack Obama đã sử dụng quyền hạn này để giảm án cho 330 tù nhân, hầu hết là tội phạm ma túy.

Mark Osler, một chuyên gia luật tại Đại học St. Thomas cho rằng: “Dù thắng hay thua, ông Donald Trump có thể ban hành lệnh ân xá cho các thành viên trong gia đình, các quan chức trong chính quyền ông, thậm chí cả bản thân ông… trước khi họ bị kết tội về bất cứ điều gì”.

Quyền ban hành lệnh ân xá đặc biệt hữu ích với Tổng thống Trump, trong bối cảnh có nhiều cáo buộc được đưa ra đối với một số quan chức đương nhiệm hoặc từng phục vụ trong chính quyền ông như cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn hay cựu giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort. Michael Flynn đang bị điều tra liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 còn Paul Manafort đã bị tuyên án 47 tháng tù giam vì tội gian lận tài chính.

Ông Trump từng giảm án tù cho người bạn lâu năm đồng thời là cựu cố vấn Roger Stone - bị kết án khai man trước Quốc hội để bảo vệ tổng thống hồi tháng 7 vừa qua, ra lệnh ân xá cho cựu Thống đốc Illinois Rod Blagojevich và cựu cảnh sát trưởng hạt Maricopa Joe Arpaio. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có tìm cách ân xá cho chính bản thân ông hay không? Và nếu ông Trump hành động thì điều này có khả thi hay không?

“Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, chưa từng được kiểm chứng và chưa từng được tận dụng”, chuyên gia Allan Lichtman nhấn mạnh, song ông cũng cho rằng, điều đó không có nghĩa là ông Trump sẽ không thử.

Theo luật pháp Mỹ, quyền ân xá của tổng thống chỉ có giá trị với các tội phạm liên bang, không bao gồm tội phạm ở cấp bang. Điều này có nghĩa là ông Trump vẫn có thể bị vướng mắc vào những cáo buộc tại một số bang như New York. Trước đó, Tòa án liên bang ở New York đã tiếp nhận đơn kiện của một phụ nữ tố cáo bị ông Trump quấy rối tình dục cách đây 20 năm khi cô mới 13 tuổi.

Bổ nhiệm và sa thải nhân sự

Có khả năng ông Trump sẽ bổ nhiệm thêm nhiều vị trí nhân sự mới trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm gần 200 thẩm phán, với số lượng thẩm phán thuộc tòa án phúc thẩm liên bang nhiều hơn bất cứ tổng thống nào khác trong nhiệm kỳ đầu. Tháng 10 vừa qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch MacConnell thông báo ông sẽ tiếp tục phê chuẩn đề cử thẩm phán cho đến hết nhiệm kỳ của ông Trump.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng có khả năng bổ nhiệm hoặc sa thải nhiều quan chức trong chính quyền. Ông đã ban hành một sắc lệnh hành pháp vào cuối tháng 10 để giúp công việc này trở nên dễ dàng hơn.

Ông Trump đã sa thải người đứng đầu 3 cơ quan liên bang gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang và Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ. Mới nhất hôm qua, Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và lựa chọn ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia (NCTC), làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

“Sắc lệnh mới giúp ông Trump có quyền tuyển dụng hoặc sa thải các nhân viên trong chớp mắt”, chuyên gia Noveck nhận xét.

Ông Biden có thể bổ nhiệm hoặc tuyển dụng lại những nhân vật đã bị sa thải dưới thời ông Trump nhưng điều đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Dự kiến, khi lên nắm quyền, chính quyền Biden sẽ phải tuyển dụng một số lượng lớn nhân viên để lấp đầy các vị trí đã bị bỏ trống.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục