"Thật vinh dự khi vừa được gặp phái đoàn Nhật Bản về thương mại. Tiến triển lớn", ông Trump viết trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình.
Trước đó, Nhật Bản đã cử Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Ryosei Akazawa đến Washington để bắt đầu các cuộc đàm phán. Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản dự kiến sẽ có buổi trả lời phỏng vấn với các phóng viên vào tối 16/4 (theo giờ Mỹ) về cuộc họp tại Washington.
Theo hãng tin Reuters, vị quan chức Nhật Bản hy vọng sẽ giới hạn các cuộc thảo luận với phía Mỹ trong các vấn đề thương mại và đầu tư. Tuy nhiên trong một thông điệp phát đi vào đầu ngày 16/4, ông Trump nói rằng ông cũng sẽ tham gia cuộc họp với phái đoàn Nhật Bản và nêu vấn đề về chi phí Tokyo phải trả cho việc quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.
"Nhật Bản đến đây hôm nay để đàm phán về thuế quan, chi phí hỗ trợ quân sự và công bằng thương mại", ông cho biết trong bài đăng trên Truth Social. "Tôi sẽ tham dự cuộc họp cùng với các Bộ trưởng Tài chính và Thương mại. Hy vọng có thể đưa ra được giải pháp tốt (TUYỆT VỜI!) cho Nhật Bản và Mỹ!", ông Trump nhấn mạnh thêm.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã cùng một số quan chức khác của Mỹ đã tham gia đàm phán với phái đoàn của Nhật Bản trong ngày 16/4.
Ông Bessent được cho là mong muốn thảo luận về vấn đề "nhạy cảm" tỷ giá hối đoái với Nhật Bản - một trong những quốc gia đầu tiên bước vào đàm phán trực tiếp kể từ khi ông Trump công bố các thuế quan đối ứng lên hàng chục quốc gia, cả đồng minh lẫn đối thủ, vào đầu tháng này.
Bên cạnh đó, ông Bessent cũng cho biết, ông kỳ vọng sẽ đạt được các thỏa thuận bao gồm thuế quan, rào cản phi thuế quan và tỷ giá hối đoái, mặc dù phía Tokyo đã vận động để vấn đề tỷ giá được tách riêng khỏi đàm phán.
Ông Bessent cũng nói rằng khả năng Nhật Bản sẽ đầu tư vào một dự án khí đốt trị giá hàng tỷ USD ở Alaska. Trong khi đó, trước khi lên đường tới Mỹ, ông Akazawa cho biết Nhật Bản hy vọng rằng những cam kết mở rộng đầu tư vào Mỹ sẽ giúp thuyết phục Washington rằng hai nước có thể đạt được thỏa thuận cùng có lợi mà không cần thuế quan.
Nhật Bản đã bị Mỹ tuyên bố áp thuế quan đối ứng lên tới 24% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, dù các mức thuế này – tương tự như phần lớn thuế quan của ông Trump – đã được tạm hoãn trong 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế cơ bản 10% vẫn đang được Mỹ áp dụng với Nhật Bản, cũng như mức thuế 25% đối với ô tô – ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Nhật vốn phụ thuộc lớn vào thị trường nước ngoài.
Ông Bessent cho biết có "lợi thế cho người đi trước" với các quốc gia chủ động đàm phán sớm với Mỹ. Bên cạnh đó, Washington cũng tiết lộ đã có hơn 75 quốc gia đề nghị đàm phán với nước này. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 14/4 đã khẳng định đất nước ông – một đồng minh thân cận của Mỹ – sẽ không vội vàng đạt thỏa thuận và không có kế hoạch nhượng bộ lớn. Đến nay, ông Ishiba cũng đã loại trừ các biện pháp đáp trả thuế quan của Mỹ.
Khó khăn với phía Nhật Bản là Mỹ đã đơn phương tự tạo ra một đòn bẩy rất lớn cho chính mình, ông Kurt Tong, đối tác điều hành tại The Asia Group – một công ty tư vấn có trụ sở ở Washington – nhận định.
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn về vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản và các nước khác. Ông cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đã chịu thiệt bởi những chính sách thương mại không công bằng và nỗ lực chủ ý của nhiều quốc gia nhằm duy trì một đồng nội tệ yếu. Tuy nhiên, phía Tokyo phủ nhận việc họ thao túng đồng yen để giành lợi thế với Mỹ.
Bên cạnh Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng gửi lời mời Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đến Washington để đàm phán trong tuần tới. Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni sẽ gặp Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào ngày 17/4 để thảo luận về thuế quan mà Mỹ áp đặt với Liên minh châu Âu.