Tổng thống Donald Trump không nhân nhượng với TikTok

0:00 / 0:00
0:00

Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không gia hạn thêm cho Công ty công nghệ ByteDance (Trung Quốc) về việc thoái vốn khỏi mảng kinh doanh ứng dụng TikTok tại thị trường Mỹ.

Hiện chưa rõ khi nào và bằng cách nào chính phủ Mỹ buộc ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP Hiện chưa rõ khi nào và bằng cách nào chính phủ Mỹ buộc ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP

Reuters dẫn lời một đại diện Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào cuối ngày 4/12 (giờ Mỹ) rằng Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ (CFIUS) "đang hợp tác với ByteDance để thúc đẩy hoàn tất việc thoái vốn của công ty này và các bước cần thiết khác để giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia".

Tuần trước, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài Mỹ đã gia hạn thêm một tuần cho ByteDance - công ty mẹ của TikTok - để thực hiện thoái vốn tại mảng kinh doanh TikTok ở thị trường Mỹ.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump ban hành hồi tháng 8/2020, Chính quyền Mỹ trao quyền cho Bộ Tư pháp quyền thực thi lệnh thoái vốn tại TikTok sau khi thời hạn thực hiện thoái vốn của ByteDance kết thúc. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào và bằng cách nào chính phủ Mỹ sẽ buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok.

Nguồn thạo tin của Reuters cho hay, ông Trump được cho là đích thân đưa ra quyết định yêu cầu ByteDance thoái vốn mà không phê chuẩn thêm bất kỳ đề nghị gia hạn nào đối với ByteDance tại cuộc họp vừa xong của các quan chức cấp cao Mỹ.

Chính phủ Mỹ trước đó đã hai lần gia hạn 15 ngày và 7 ngày đối với yêu cầu ByteDance thoái vốn tại TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngày theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, tức là ngày 12/11. Bộ Tư pháp Mỹ và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về vấn đề này, còn phía TikTok từ chối bình luận.

Washington cáo buộc TikTok nguồn cơn của những rủi ro an ninh quốc gia do dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc. TikTok hiện có lượng người dùng quy mô lên tới 100 triệu tại Mỹ, nhưng đơn vị này phủ nhận cáo buộc đánh cắp thông tin của người dùng.

Trước sức ép của chính phủ Mỹ, ByteDance đã đàm phán để hoàn tất thỏa thuận với Walmart và Oracle trong nhiều tháng qua về việc thành lập một đơn vị kinh doanh mới để thoái vốn tại TikTok theo yêu cầu của chính phủ Mỹ.

Tuần trước, ByteDance đã đưa ra một đề xuất mới nhằm giải quyết những lo ngại an ninh của chính phủ Mỹ. ByteDance cho biết công ty này đã trình 4 đề xuất liên quan đến nội dung thoái vốn tại TikTok ở thị trường Mỹ, trong đó 1 đề xuất được đệ trình vào tháng 11 về việc "thành lập một đơn vị mới, thuộc sở hữu hoàn toàn của Oracle, Walmart và các nhà đầu tư hiện nay của Mỹ tại ByteDance, và đơn vị mới sẽ chịu trách nhiệm xử lý dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ và kiểm duyệt nội dung".

Trong tháng 9, TikTok thông báo đơn vị đã đạt thỏa thuận sơ bộ để Walmart và Oracle nắm giữ cổ phần trong một công ty mới để giám sát hoạt động TikTok tại Mỹ. Còn trong tháng 11 vừa qua, ByteDance đã đệ đơn lên Tòa án phúc thẩm Mỹ phản đối lệnh thoái vốn của chính quyền Trump và cho biết họ dự định kiến nghị "chỉ tiếp tục thực thi lệnh thoái vốn nếu các cuộc đàm phán đi đến bế tắc và chính phủ Mỹ cho thấy ý định thực sự thi hành sắc lệnh".

ByteDance cho rằng sắc lệnh của Trump là tìm cách buộc ByteDance phải thoái vốn toàn bộ tại TikTok, một doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD được xây dựng dựa trên công nghệ do ByteDance phát triển.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ tỏ ra lúng túng trong việc hạn chế ứng dụng TikTok tại thị trường này. Vào tháng 9/2020, một thẩm phán liên bang tại Washington đã ngăn chặn lệnh cấm Apple và Alphabet của Google cho phép tải ứng dụng TikTok từ kho ứng dụng của Mỹ, trong khi một thẩm phán khác vào ngày 30/10 cũng ngăn cản các biện pháp hạn chế sử dụng TikTok của chính phủ Mỹ có hiệu lực vào ngày 12/11.

Dự kiến, một tòa án phúc thẩm của Mỹ sẽ tổ chức phiên điều trần để lắng nghe những lập luận về việc cấm sử dụng TikTok vào ngày 14/12 tới.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục