Tổng thống Biden đề nghị cấp thêm 33 tỷ USD cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị quốc hội nước này phê chuẩn cấp thêm 33 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP). Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).

AFP đưa tin ngày 28/4, trong thư gửi quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị phê chuẩn gói viện trợ mới trị giá 33 tỷ USD dành cho Ukraine.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ, theo đề xuất, gói viện trợ này sẽ được giải ngân trong ít nhất 5 tháng. Gói viện trợ bao gồm hơn 20 tỷ USD cho an ninh và quân sự, trong đó 11,4 tỷ USD để mua sắm trang thiết bị quân sự cho Ukraine, 2,6 tỷ USD hỗ trợ triển khai binh sĩ và trang thiết bị của Mỹ đến khu vực, 1,9 tỷ USD hỗ trợ an ninh mạng và hoạt động tình báo. Ngoài ra, hơn 8,5 tỷ USD dành cho hỗ trợ kinh tế và hơn 3 tỷ USD hỗ trợ nhân đạo, an ninh lương thực.

"Mặc dù chúng tôi tin rằng khoản hỗ trợ gộp của các đồng minh NATO, các đối tác EU lớn hơn nhiều so với của Mỹ, nhưng chắc chắn để ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến này, chúng ta cần hỗ trợ nhiều hơn nữa", chủ nhân Nhà Trắng viết.

Ngoài gói viện trợ này, chính quyền Tổng thống Biden cũng đề xuất sử dụng tài sản của các tài phiệt Nga hiện bị phương Tây phong tỏa để bù đắp cho các thiệt hại mà Ukraine phải gánh chịu do xung đột.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Mỹ và các đồng minh phương Tây liên tục áp lệnh trừng phạt Nga, trong đó có biện pháp phong tỏa tài sản của giới tài phiệt nước này.

Đến nay, Mỹ đã phong tỏa hàng loạt máy bay, du thuyền trị giá hơn một tỷ USD của các tài phiệt và quan chức Nga. Ngoài ra, Washington cũng đóng băng hàng trăm triệu USD của giới tài phiệt Nga tại các ngân hàng ở Mỹ. Trong khi đó, châu Âu đã đóng băng hơn 30 tỷ USD tài sản của tài phiệt Nga, các tài sản này gồm bất động sản, du thuyền, trực thăng.

Mỹ và các đồng minh cũng tăng cường hỗ trợ quân sự giúp Ukraine cản đà tiến công của Nga. Tổng cộng Mỹ đã viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách 2 tháng.

Trong một diễn biến liên quan khác, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 28/4 tuyên bố, liên minh này sẵn sàng duy trì hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm tới để đối phó các mối đe dọa từ Nga, trong đó có việc cung cấp các trang thiết bị quân sự hiện đại cho Kiev.

"Chúng ta cần chuẩn bị cho dài hạn. Rất có thể cuộc chiến này sẽ kéo dài vài tháng hoặc vài năm. Các đồng minh NATO sẵn sàng hỗ trợ trong thời gian dài, giúp Ukraine chuyển đổi các khí tài từ thời Liên Xô sang những khí tài hiện đại hơn đòi hỏi phải đào tạo vận hành", ông Stoltenberg nói.

Hầu hết vũ khí, khí tài hạng nặng mà NATO chuyển cho Ukraine hiện nay do Liên Xô sản xuất và vẫn còn trong kho của họ. Tuy nhiên, Mỹ và một số đồng minh đã bắt đầu chuyển lựu pháo của phương Tây cho Ukraine. Quốc hội Đức hôm 28/4 đã lần đầu tiên phê chuẩn cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev.

Lãnh đạo NATO nhấn mạnh, phương Tây sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa thông qua lệnh trừng phạt để buộc Moscow phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục