Tổng mức chi tiêu cho cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ sẽ vượt 16,7 tỷ USD, ghi dấu kỷ lục mới

Tổng chi tiêu của Mỹ cho các cuộc đua trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 sẽ vượt 16,7 tỷ USD, phá vỡ kỷ lục 13,7 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát mà Mỹ đã chi vào năm 2018.
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 7/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Chinadaily, số liệu trên do Bloomberg trích dẫn ước tính từ OpenSecrets - một tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ.

Cụ thể, các ứng cử viên và ủy ban liên bang dự kiến chi 8,9 tỷ USD trong bối cảnh đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tranh giành quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện. Trong khi đó, các ứng cử viên cấp bang, ủy ban đảng và ủy ban kiểm phiếu sắp huy động được 7,8 tỷ USD.

Bà Sheila Krumholz, Giám đốc điều hành OpenSecrets cho biết: “Không có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nào lại chi nhiều tiền ở cấp bang và liên bang như cuộc bầu cử năm 2022. Chúng tôi đang thấy tổng số tiền cao kỷ lục được chi cho các cuộc bầu cử”.

Các cuộc bầu cử sơ bộ đầy cạnh tranh của đảng Cộng hòa và khoản chi tiêu đáng kể năm 2021 sau vụ bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1 đã góp phần vào tổng số tiền cao kỷ lục vào đầu năm nay. Vào năm 2021, các ứng cử viên liên bang đã gây quỹ được số tiền nhiều hơn 519 triệu USD so với năm 2017 (đã được điều chỉnh theo lạm phát).

Đảng Dân chủ đã huy động được nhiều tiền hơn đảng Cộng hòa ở cấp liên bang trong đợt bầu cử này, nhưng đảng Cộng hòa đang chi tiêu nhiều hơn đảng Dân chủ khi đảng này tăng cường nỗ lực để giành lại quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Trong khi cả hai đảng đều có tỷ phú, thì đảng Cộng hòa có nhiều tỷ phú hơn. Trong số 25 nhà tài trợ hàng đầu trong đợt bầu cử này, 18 người thuộc đảng Cộng hòa và họ đã chi nhiều hơn đảng Dân chủ 200 triệu USD.

5 trong số 10 cuộc đua vào quốc hội tốn kém nhất trong đợt bầu cử này đều là cuộc đua vào Thượng viện ở Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada và Wisconsin. Chỉ riêng trong 5 bang đó, các chiến dịch và các nhóm bên ngoài đã chi 1,8 tỷ USD.

Các nhóm bên ngoài tìm cách thu hút cử tri ủng hộ hoặc chống lại các ứng cử viên theo ý mình tại các bang chiến trường có thể quyết định quyền kiểm soát Quốc hội. Các nhóm bên ngoài đã chi khoảng 1,9 tỷ USD để tác động đến cuộc bầu cử liên bang cho đến hết ngày 31/10, phá vỡ kỷ lục 1,6 tỷ USD (đã điều chỉnh lạm phát) vào bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018.

Trong khi đó, ở thời điểm chỉ còn một ngày nữa là tới ngày bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ (giờ địa phương), các chính khách hàng đầu và các ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục ráo riết vận động nước rút, đặc biệt là tại các bang chiến địa.

Về phía đảng Dân chủ, sau cuộc vận động tập trung tại bang Pensylvania ngày 6/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc vận động tranh cử cuối cùng vào tối 7/11 (giờ địa phương) tại bang Maryland - nơi ông ủng hộ cử viên Wes Moore giành ghế thống đốc bang.

Ngày 6/11, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đã tới Nevada, một bang chiến địa khác, để vận động cho Thượng nghị sĩ Catherine Cortez Masto. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Kelly tại bang Arizona cũng có hoạt động vận động cuối cùng trong ngày 7/11.

Về phía đảng Cộng hòa, tối 7/11, cựu Tổng thống Donald Trump có mặt tại bang chiến địa quan trọng là Ohio để vận động cho ứng cử viên JD Vance trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ tại Ohio.

Trước không khí lo ngại về bạo lực chính trị trong ngày bầu cử 8/11, Nhà Trắng khẳng định không có mối đe dọa bạo lực rõ ràng nào liên quan đến bầu cử và kêu gọi cử tri Mỹ yên tâm đi bỏ phiếu.

T.T
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục