Tổng lực kích cầu thị trường nội địa

0:00 / 0:00
0:00
Hàng loạt chính sách kích cầu, ưu đãi mua sắm cuối năm đang được triển khai với kỳ vọng hồi phục sức mua của thị trường nội địa trong tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Kỳ vọng sức mua bật tăng

Sau gần 2 năm chịu tác động bởi Covid-19, sức tiêu dùng hàng hóa trong nước đã sụt giảm mạnh nhiều tháng liên tiếp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11/2021 dù tăng 6,2% so với tháng 10, nhưng vẫn giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ những tháng trước đó đã ở mức thấp (tăng trưởng âm), nhất là từ tháng 5 tới tháng 8, tại nhiều địa phương trọng điểm, cũng là các thị trường lớn (như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa...), nên 11 tháng của năm 2021, doanh thu vẫn giảm 8,7% so với cùng kỳ 2020.

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ, đại dịch khiến thu nhập của nhiều bộ phận người dân giảm sút, vì vậy, dự kiến sức mua trong tháng cuối năm nay sẽ khó tăng cao. Người tiêu dùng chủ yếu chi tiêu mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và dịp Tết 2022.

Tại thời điểm này, các chương trình khuyến mại cuối năm đang được triển khai tổng lực, với kỳ vọng kích cầu sức mua của thị trường nội địa. Đặc biệt, Tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia đã được khởi động, kéo dài trong cả tháng 12/2020 với mức khuyến mại tối đa mà doanh nghiệp có thể áp dụng là 100%, thay vì 50% như trước đây.

Theo quy định của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, một tháng trước Tết âm lịch, doanh nghiệp được khuyến mại giảm giá hàng hóa đến 100%, kết hợp cùng chương trình trong tháng 12, thị trường trong nước sẽ có 2 tháng chạy hàng ngàn chương trình ưu đãi.

Năm 2020, lần đầu tiên Tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia được tổ chức từ ngày 1/7/2020 đến 31/7/2020 với 27.450 chương trình khuyến mại giảm giá sâu, tập trung vào các ngành hàng: may mặc, hàng tiêu dùng, hàng điện máy, điện tử, viễn thông… thông qua hệ thống siêu thị, hệ thống bán lẻ và sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2020 tăng 3,3% so với tháng 6/2020 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính toán kỹ kế hoạch kinh doanh

Tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán như thông lệ là thời điểm “vàng” của doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa thiết yếu và cả khối bán lẻ. Nhưng, bối cảnh năm nay có một số khác biệt do “sức khỏe” tài chính của các hộ gia đình Việt Nam đã yếu đi nhiều.

Bộ Công thương cho biết, sẽ đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết. Cùng với đó, sẽ tập trung các giải pháp nhằm bình ổn giá cả, đồng thời triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, Tháng Khuyến mại tập trung Quốc gia... nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, qua đó thúc đẩy sản xuất.

Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos cho thấy, 90% gia đình Việt bị ảnh hưởng thu nhập vì đại dịch, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp.

Đơn cử, trong tháng 11/2021, dù hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng, ngày mua sắm (black Friday)… đã được tổ chức tại nhiều địa phương, song do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm, nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Tác động của dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đến thu nhập khiến đại bộ phận người dân có tâm lý “thắt chặt hầu bao”. Bà Hoàng Thanh Loan (số 56 - Tô Hoàng, Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ, từ nay đến cuối năm, gia đình bà chỉ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu, cắt giảm việc mua sắm quần áo, giày dép; việc đi du lịch và các hoạt động giải trí cũng hạn chế, vì dịch bệnh còn phức tạp.

Đối với các doanh nghiệp, do chi phí sản xuất tăng cao, dự báo sức mua thị trường hiện nay khó tăng như thời điểm trước dịch, nên hầu hết doanh nghiệp đều rất cẩn trọng với kế hoạch kinh doanh.

Công ty Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cũng đang tính toán kỹ bài toán chuẩn bị hàng Tết, dự trữ nguyên liệu để ứng phó linh hoạt, chủ động. Cụ thể, Công ty đã đầu tư hơn 754 tỷ đồng để sản xuất 2.800 tấn thịt lợn tươi sống và 4.200 tấn thịt chế biến, tăng lần lượt 8 và 6% so với cùng kỳ.

“Chúng tôi nhận định, sức mua sẽ giảm, nhưng vẫn chuẩn bị kỹ để đảm bảo nguồn lương thực, trường hợp có biến động nguồn nguyên liệu lương thực, thì nguồn dự trữ này có thể đáp ứng kịp thời, thậm chí cho cả sau Tết Nguyên đán”, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan chia sẻ.

Điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất, đồng thời cũng là khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong mùa Tết năm nay là tình trạng suy giảm tổng cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Long Vỹ (Hà Đông, Hà Nội), sức mua của thị trường nội địa giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu sức mua kém, mà tính toán đầu ra không kỹ, đổ một lượng vốn lớn để chuẩn bị hàng hóa cho thị trường cuối năm, thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng tồn kho, đọng vốn và gia tăng áp lực.

Ông Sinh kỳ vọng, các chính sách kích cầu thị trường nội địa, ưu đãi mua sắm cuối năm sẽ giúp hồi phục sức mua để các doanh nghiệp có cơ hội tăng trưởng sản xuất.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục