Kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”
Sáng ngày 5/6, tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên lĩnh vực kiểm toán được vào nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn sau gần 30 năm Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thành lập và hoạt động.
Chất vấn về tham nhũng, tiêu cực trong ngành, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng dẫn ý kiến cho rằng, đâu đó vẫn có những hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể như việc gợi ý chi trả để bỏ qua sai phạm khi phát hiện theo phương châm đôi bên cùng có lợi.
Thừa nhận là có nhưng Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng nhấn mạnh đây chỉ là số ít và là những con sâu làm rầu nồi canh. “Chúng tôi kiên quyết để loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực”, Tổng KTNN khẳng định.
Không riêng đại biểu Hoàng Đức Thắng, tiêu cực và tham nhũng trong chính ngành kiểm toán nhà nước là nội dung chất vấn của nhiều đại biểu Quốc hội. Tổng KTNN khẳng định việc thực hiện phòng, chống tham nhũng trong nội bộ là công việc hết sức quan tâm của lãnh đạo kiểm toán, Ban cán sự cũng như của các nhân sự trong ngành kiểm toán. Theo quy định của Luật kiểm toán, Điều 8 Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định rất là rõ về các hành vi không được làm trong quá trình kiểm toán, trong đó quy định rõ việc cấm tuyệt đối việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Trong hoạt động của ngành, còn có chuẩn mực số 30 về đạo đức công vụ.
Cũng theo Tổng KTNN, các giải pháp để hạn chế tiêu cực tham nhũng đã và đang được thực hiện. Thứ nhất, về giáo dục tư tưởng, Kiểm toán Nhà nước kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng và các văn bản mới của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, về thể chế, riêng năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã rà soát, sửa đổi 75 văn bản liên quan đến toàn bộ quy trình kiểm toán để thiết chặt việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thứ ba là việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xác định đề cao vai trò của người đứng đầu, tổ trưởng tổ kiểm toán. Thứ tư là đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước. Hơn nữa, Kiểm toán Nhà nước cũng thực hiện xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Tổng KTNN cũng nhấn mạnh cơ chế, quy trình, quy chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán đã tương đối đầy đủ, nhất là về vai trò, trách nhiệm của từng kiểm toán viên. Như khi thực hiện hoạt động kiểm toán, kiểm toán viên phải ghi nhật ký từng ngày và ghi nhật ký điện tử và chuyển về cơ sở dữ liệu của Trung ương. Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ và một cơ quan nữa là cơ quan Vụ kiểm soát chất lượng để kiểm soát thật chặt chẽ trung tâm, khách quan hoạt động này.
“Trong tháng 5 chúng tôi có Chỉ thị về triển khai nhiệm vụ kiểm toán cả năm. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng và nâng cao chất lượng công vụ. Chúng tôi cũng đã phối hợp với hầu hết các địa phương và các bộ, ngành trong đó gồm quy chế phối hợp giúp giám sát đoàn kiểm toán để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tôi hy vọng là những giải pháp như vậy sẽ giúp cho ngành kiểm toán phòng, chống tiêu cực tốt hơn, đúng với giá trị của ngành là độc lập, liêm chính, uy tín, chất lượng”.
Kiểm soát quyền lực và phòng và chống tham nhũng bằng công tác luân chuyển cán bộ
Trả lời băn khoăn của đại biểu Trịnh Thị Huyền về mô hình tổ chức của Kiểm toán Nhà nước có thể dẫn đến tình trạng thân quen rồi thông đồng, tiêu cực, Tổng KTNN cho biết hiện tại cơ quan này có 1864 nhân sự, tổ chức theo 32 đơn vị. Trong đó, 8 cơ quan tham mưu giám sát, 8 cơ quan kiểm toán chuyên ngành, 13 khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp.
Thực hiện Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định Kiểm toán Nhà nước đã làm rất mạnh công tác luân chuyển luân phiên, điều động cán bộ. Theo quy định, trong vòng 2-3 năm phải luân chuyển, luân phiên, điều động cán bộ. Việc chỉ đạo luân phiên trong công tác kiểm toán, luân chuyển trong nội bộ khu vực, địa bàn, lĩnh vực… đã hạn chế được quan hệ thân hữu giúp hạn chế tối đa việc tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.