Điều hành DN có truyền thống nhiều năm phát triển, điều gì theo ông là quan trọng nhất?
Theo tôi, đó chính là khả năng động viên hết các nguồn lực sẵn có của công ty, liên tục đổi mới, sáng tạo, đưa DN đạt được những bước phát triển năm sau cao hơn năm trước. Trong sự phát triển đó, mọi người đều được hưởng lợi.
Hiện tại, Công ty đã áp dụng các mô hình quản trị DN hiện đại, phù hợp với thông lệ quản trị quốc tế và tình hình sản xuất kinh doanh của Nhựa Tiền Phong. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Công ty còn xây dựng được văn hóa DN là sự đồng lòng từ trên xuống dưới, môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, tạo điều kiện tối đa cho mỗi cán bộ nhân viên phát huy hết khả năng của mình trong công việc.
Do vậy, hàng năm, Công ty đều đạt tốc độ tăng trưởng từ 10 - 25%. Với tổng doanh thu dự kiến năm 2016 (cộng cả doanh thu của công ty liên kết là CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam) là 5.200 tỷ đồng, Nhựa Tiền Phong giữ vững danh hiệu là nhà sản xuất sản phẩm ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Ông có nhắc đến yêu cầu đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới. Cụ thể, điều đó đã được thực hiện như thế nào?
Công ty luôn đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, xây dựng mở rộng mặt bằng, phát triển sản phẩm mới, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối. Tinh thần đổi mới ấy đã toả sáng qua từng dự án nghiên cứu kỹ thuật. Từ năm 2014, Nhựa Tiền Phong đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE DN 2000 bằng thiết bị và công nghệ châu Âu với giá trị 150 tỷ đồng. Đây là 1 trong 8 dây chuyền có thể sản xuất ống nhựa HDPE có đường kính đến 2000 mm trên thế giới và Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và châu Á đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại này.
Ngày 11/10 tới, ông Nguyễn Quốc Trường - Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong vinh dự là 1 trong 100 doanh nhân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Cúp Thánh Gióng. Giải thưởng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức bình chọn 3 năm 1 lần từ hàng ngàn doanh nhân được các bộ, ngành và địa phương đề cử.
Ngoài ra, Nhựa Tiền Phong đã sản xuất được một số sản phẩm mới với bước tiến về kỹ thuật. Chúng tôi quan niệm đầu tư đón đầu hội nhập và đem đến các sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam với chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế.
Ông thường dung hòa các xung đột quyền lợi của cổ đông, người lao động và đội ngũ lãnh đạo Công ty như thế nào?
Tôi cho rằng, phải tạo được niềm tin của cổ đông vào sự lãnh đạo của mình. Đó là nhiệm vụ quan trọng, bởi không có lòng tin, người ta sẽ e ngại tiếp tục đầu tư. Muốn vậy, không gì khác, người lãnh đạo phải gương mẫu, đoàn kết, cùng chí hướng. HĐQT Công ty cần bàn bạc, thống nhất, kiên quyết tìm hướng đi cho từng giai đoạn, đặc biệt khi nền kinh tế có nhiều khó khăn.
Hiện nay, thị trường khả quan hơn, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều thách thức, khi thị trường phía Bắc đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt. Không chỉ những DN nhỏ lớn lên mà cả DN ngành khác cũng tham gia vào như Tân Á Đại Thành, Hoa Sen… Song cạnh tranh cũng là động lực để DN phải liên tục vận động và tiến bộ.
Còn người lao động, họ có vị trí ra sao trong sự phát triển không ngừng nghỉ của DN? Quan điểm về nhân sự của ông như thế nào?
Ở Tiền Phong, chúng tôi đặt con người lên hàng đầu và hầu như DN không bao giờ bị chảy máu chất xám. Tuyển dụng vào Công ty rất khắt khe, nhưng chúng tôi vẫn liên tục đào tạo đội ngũ trẻ, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Chúng tôi cũng chú trọng thường xuyên đến sự truyền lửa, sự say nghề trong mỗi người lao động để họ luôn tự hào là người Tiền Phong. Công ty đã trở thành gia đình lớn của họ, là nơi mỗi sáng người lao động hào hứng đến làm việc. Đó chính là nguồn động viên to lớn với chúng tôi.
Có bao giờ ông tự cho mình nghỉ ngơi không, bởi ai cũng cần được thư giãn?
Nói thì nghe có vẻ lý thuyết suông, nhưng quả thực ở Nhựa Tiền Phong, từ đôi dép đến quả bóng bàn, chúng tôi đều làm tốt nhất và quan niệm chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi. Còn nhàn tản được chưa? Nếu tự cho mình như vậy thì hỏng bét, bởi giống như đi xe đạp, phải vận động liên tục, nếu dừng lại thì xe sẽ đổ.