Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam: “Chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company đồng biên soạn, đã có thêm hơn 8 triệu người sử dụng dịch vụ số tại Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Với sự thúc đẩy từ những người dùng mới này, dự kiến nền kinh tế số tổng thể của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD vào năm 2025. Với sự phát triển của nền kinh tế số, ngành Ngân hàng cũng đang chuyển mình nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số.
Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam: “Chúng tôi đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số”

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam để hiểu thêm về cách Ngân hàng đang hỗ trợ các khách hàng của mình trong kỷ nguyên số.

Ông có thể chia sẻ một số dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số tiêu biểu tại UOB Việt Nam?

Ông Victor Ngo.

Ông Victor Ngo.

Được thúc đẩy bởi sự gián đoạn do Covid-19 gây ra, người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng sử dụng nhiều hơn các kênh kỹ thuật số để thực hiện các giao dịch thanh toán hàng ngày của họ. Điều này buộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, với khoảng 80% trong số tổng các doanh nghiệp đã có mặt trên nền tảng trực tuyến, phải thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động thương mại điện tử.

Đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho các nhà bán hàng trực tuyến, chúng tôi đã tiên phong ra mắt sản phẩm UOB BizMerchant - một giải pháp cho vay tín chấp trực tuyến, cung cấp cho người bán hàng online khả năng tiếp cận với các khoản vay không cần thế chấp dựa trên đánh giá tín dụng theo dữ liệu kinh doanh nằm ngoài hồ sơ tài chính của họ.

UOB BizMerchant đã được được tạp chí Asian Banking & Finance trao giải thưởng Sáng Kiến Tài Chính Toàn Diện vào năm 2019, đồng thời được tạp chí The Asian Banker vinh danh là Sáng kiến Tài Chính Toàn diện trong năm 2020.

Chúng tôi cũng ra mắt UOB BizSmart - một giải pháp quản lý kinh doanh tích hợp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp kỹ thuật số để cung cấp các dịch vụ từ thương mại điện tử đến quản lý tài khoản và thanh toán, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp này thúc đẩy hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả, bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu tài chính của họ.

Với khách hàng doanh nghiệp lớn, UOB tích cực triển khai các giải pháp kỹ thuật số để giúp họ cải thiện hiệu quả hoạt động và đã chứng kiến sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng các kênh ngân hàng kỹ thuật số.

Đầu năm 2022, chúng tôi đã ra mắt UOB Infinity - một nền tảng kỹ thuật số mới dành cho khách hàng doanh nghiệp, cho phép họ quản lý dòng tiền một cách hiệu quả với khả năng hiển thị thông tin tài khoản theo thời gian thực và được hỗ trợ bởi một loạt tính năng thanh toán toàn diện.

Với ứng dụng di động UOB Infinity, khách hàng có thể truy cập tài khoản doanh nghiệp của mình, thực hiện thanh toán và ủy quyền giao dịch bất cứ lúc nào và ở bất kỳ nơi đâu. Nhờ vào UOB Infinity, các khách hàng của chúng tôi có thể rút ngắn đến 80% thời gian dành cho các giao dịch ngân hàng. Trong 4 tháng sau khi ra mắt nền tảng này, chúng tôi đã thấy khối lượng thanh toán tăng lên 48%.

Chúng tôi tin rằng, các giải pháp ngân hàng kỹ thuật số của mình góp phần giúp khách hàng thúc đẩy các hoạt động thương mại đạt kết quả tốt hơn, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để họ có thể duy trì sự phù hợp và khả năng cạnh tranh khi Việt Nam đang tăng tốc trong công cuộc hiện thực hóa tham vọng nền công nghiệp 4.0.

Hiện nay, hầu hết ngân hàng nội địa đều đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số. Là một ngân hàng nước ngoài, UOB định vị mình như thế nào trong lĩnh vực này tại khu vực và Việt Nam?

UOB có lợi thế cạnh tranh về kỹ thuật số, chúng tôi đã đầu tư tới 500 triệu đô-la Singapore cho các sáng kiến đổi mới kỹ thuật số trên toàn khu vực ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự đổi mới và tăng tốc cho các thị trường trong việc nâng cao trải nghiệm ngân hàng kỹ thuật số cho khách hàng của chúng tôi.

Ví dụ, chúng tôi sẽ tập trung vào việc thúc đẩy các giải pháp sáng tạo bằng cách tạo ra trải nghiệm ngân hàng “siêu” cá nhân hóa dành riêng cho từng khách hàng.

Chúng tôi cũng tận dụng năng lực kỹ thuật số mạnh mẽ của mình, chẳng hạn công cụ thẩm định dựa trên phân tích dữ liệu, để đánh giá và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mục đích của chúng tôi là làm cho hoạt động ngân hàng trở nên đơn giản, hấp dẫn và minh bạch đối với tất cả các khách hàng của UOB.

Ông có lo ngại về sự cạnh tranh từ các công ty tài chính công nghệ (Fintech)?

Tại UOB, chúng tôi từ lâu đã hợp tác với các đối tác Fintech để thúc đẩy sự phát triển của họ bằng sự hiểu biết sâu sắc của chúng tôi về văn hóa, kinh doanh và quy định pháp lý trong khu vực ASEAN bằng cách kết nối họ với hệ sinh thái khu vực của chúng tôi.

Sự hợp tác chặt chẽ đó cho phép chúng tôi khai thác sức mạnh và khả năng độc đáo của nhau để tạo ra các giải pháp tài chính tiến bộ và trải nghiệm kỹ thuật số liền mạch, mang lại lợi ích cho khách hàng trong thế giới trực tuyến ngày càng tăng.

Theo ông, yếu tố nào quyết định thành công trong việc chuyển đổi số của Ngân hàng?

Theo tôi, cần có 3 yếu tố: Dữ liệu, công nghệ và chuyên môn của con người. Khi tất cả kết hợp lại với nhau, tôi tin rằng đó là lúc bạn có thể phục vụ khách hàng một cách toàn diện hơn. Việc áp dụng kỹ thuật số không chỉ là phục vụ nhu cầu trên kênh trực tuyến, mà phải là sự tương tác liền mạch từ trực tuyến đến trực tiếp.

Tại UOB, chúng tôi đang đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số. Chúng tôi đang cải tiến các chi nhánh, bao gồm cả chi nhánh ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, để đáp ứng chiến lược đa kênh, chuyển dịch các giao dịch vật lý sang các kênh kỹ thuật số, đồng thời cung cấp các dịch vụ có giá trị cao như tư vấn tài sản thông qua kênh trực tiếp của mình.

Giáng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục