Hiện thị trường đang giao dịch bình quân 2.000 tỷ đồng/ngày, dựa trên cơ sở nào HSC đưa giả định mức giao dịch 4.000 tỷ đồng/ngày để xây dựng kế hoạch kinh doanh, thưa ông?
TTCK luôn có sự biến động khó lường. So sánh giá trị giao dịch ngày thấp nhất và cao nhất trong năm có thể thấy mức biến động rất cao. Đây chính là lý do để HSC mạnh dạn kỳ vọng giao dịch bình quân 4.000 tỷ đồng/ngày.
Hiện nguồn tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng rất nhiều và lãi suất thấp. Thị trường bất động sản sôi động, dù chưa biết sôi động được bao lâu, nhưng tôi tin chắc điều đó sẽ kéo theo TTCK khởi sắc trở lại. Lãi suất chỉ giảm thêm không phẩy mấy phần trăm, các sản phẩm tiền gửi ngân hàng sẽ không còn hấp dẫn nữa. Lãi suất thấp là một trong những yếu tố sẽ kéo nguồn tiền vào TTCK.
Quan trọng hơn, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển thì khả năng TTCK tăng trưởng là không thể phủ nhận. Trong nhiều năm qua, thực tế đã chứng minh, TTCK thường tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng của GDP. Nếu GDP năm nay được kỳ vọng tăng trưởng cao hơn những năm trước, thì không có lý do gì chứng khoán lại tăng trưởng thấp.
Ông Johan Nyvene
Quan điểm của ông là chứng khoán đang rẻ?
Quan điểm của nhiều người là chứng khoán đang được định giá ở mức thấp đối với một thị trường đang phát triển. Vì kinh tế tiếp tục tăng trưởng mà các công ty trên sàn chứng khoán lại là những công ty đầu ngành, công ty nổi bật, nên thường tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Tất nhiên đắt hay rẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều lo ngại là các NĐT nước ngoài chưa được thu hút nhiều vào TTCK Việt Nam, đối với họ, chứng khoán Việt Nam có thể là đắt hoặc có rẻ, nhưng chưa rẻ đến mức để đầu tư. Vì thế, ngoài hai yếu tố quan trọng nêu trên, nếu thêm yếu tố các NĐT nước ngoài được thu hút thì thị trường sẽ sôi động.
Xét trên 2 yếu tố là tăng trưởng kinh tế và lãi suất thấp thì mặt bằng giá cổ phiếu được đánh giá như thế nào?
P/E trung bình của Việt Nam đang thấp đi dựa trên tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của các công ty ở mức 15 - 20% mỗi năm. P/E trung bình hiện đang là 12, thấp hơn so với năm ngoái là hơn 13 và thấp hơn so với P/E trung bình của các thị trường khu vực khoảng 17 - 20 lần.
Theo ông, thị trường đã phản ánh hết các thông tin tiêu cực?
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có các yếu tố ngoài tầm kiểm soát như địa chính trị, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế ở nước nào đó…, thì khó đánh giá có thêm rủi ro nữa hay không.
Tuy nhiên, những yếu tố nhìn thấy trước mắt, nhất là yếu tố chủ quan của Việt Nam, thì đã được phản ánh hết vào thị trường như Thông tư 36/TT-NHNN. Tôi nghĩ TTCK còn rất nhiều tiềm năng, vấn đề là khi nào mua và giữ được bao lâu.
Tôi lấy ví dụ của bản thân để mọi người thấy tiềm năng của TTCK. Từ lúc tôi đầu tư ở TTCK Việt Nam đến nay, có những lúc mất gần như hết nhưng sau đó lại được gấp đôi gấp ba, bình quân được khoảng 25%/năm trong 7 - 8 năm qua. Nếu đầu tư tháng này sang tháng khác thì có thể vẫn không nhìn thấy tiềm năng thị trường này.
HSC năm nay sẽ nhắm đến tư vấn hoạt động phát hành đại chúng lần đầu (IPO). HSC có vẻ chậm chân trong thị trường tư vấn IPO?
Có chậm chân nhưng một phần do chúng tôi không có lợi thế, nhất là các mối quan hệ. Hơn nữa, đặc thù ở Việt Nam là không có công ty nào IPO thực sự. Năm qua, chỉ có Thế giới Di động là IPO thực sự, tức cổ phiếu bán ra công chúng phải có thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do phải từ 30% trở lên. Còn cách IPO của nhiều công ty tại Việt Nam là 2 bước cổ phần hóa và niêm yết. HSC nhắm đến các công ty thực sự muốn IPO, có nhu cầu muốn cổ phiếu của họ có thanh khoản.
Đặt mục tiêu tăng thị phần môi giới, phải chăng HSC muốn khẳng định lại vị trí số 1 đã đạt được trong 2 năm trước, thưa ông?
Chúng tôi không muốn quan trọng hóa vị trí số 1 hay số 2. Tăng thị phần là chuyện đương nhiên khi HSC đã mở thêm 2 phòng giao dịch mới. Nhìn tổng thể toàn thị trường, nếu thị phần của chúng tôi tăng mà đối thủ cạnh tranh trong tốp 5 cũng tăng thì điều đó tốt cho tất cả.