Đây là năm thứ 3 liên tiếp, HSC được bình chọn là Nhà môi giới tốt nhất. Danh hiệu này đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng của HSC trong việc phục vụ khách hàng ngày càng chuyên nghiệp. Còn danh hiệu Nhà tư vấn M&A tốt nhất năm 2014 được The Asset trao tặng cho HSC vì “độ khó” của thương vụ chào bán Euvipharm, một công ty dược phẩm tư nhân.
Euvipharm không phải là thương hiệu nổi tiếng, giá trị thương vụ cũng không quá lớn, nhưng điểm nổi bật là tính chất và vai trò đặc biệt của HSC trong quá trình tư vấn. Để giúp DN chào bán thành công, huy động được vốn mới, HSC đã bắt đầu từ việc tư vấn công ty tái cấu trúc, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
HSC đã giúp Euvipharm làm nổi bật các giá trị của DN, phù hợp với các tiêu chí yêu cầu của bên mua. Đặc biệt, HSC giúp kết nối và thuyết phục thành công bên mua là Valeant (Canada) - một tập đoàn dược phẩm nằm trong Top 50 công ty dược lớn nhất thế giới.
Ông Trịnh Thanh Cần, Giám đốc điều hành Khối Tài chính DN HSC chia sẻ: “Vấn đề của Euvipharm nằm ở khâu quản lý chưa hiệu quả nên chi phí cao, lợi nhuận thấp. Nhưng chúng tôi nhìn thấy điểm mạnh của Công ty là có nhà máy sản xuất hiện đại, có hơn 200 loại thuốc đã có số đăng ký. Sau khi giúp Công ty tái cơ cấu, chúng tôi thuyết phục người mua trả mức giá cao hơn mức họ dự kiến dựa trên các lý do thuyết phục”.
Euvipharm là công ty dược phẩm thứ hai mà HSC tư vấn M&A thành công sau Domesco trong năm 2012 và hiện HSC đang tư vấn cho một số công ty dược khác. Tư vấn M&A là lĩnh vực cần thời gian và nhân lực chất lượng cao, việc lựa chọn thương vụ có khả năng thành công cao đòi hỏi kinh nghiệm, sự nhạy bén và khôn ngoan của người làm tư vấn.
Ông Cần “bật mí” bí quyết: “Qua tiếp xúc với bên mua là các NĐT nước ngoài, HSC biết thị trường có nhu cầu mua công ty ở lĩnh vực nào, với các đặc tính riêng như thế nào. HSC chọn ngành dược vì sự quan tâm của NĐT nước ngoài đến ngành này chỉ đứng sau ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN hàng tiêu dùng thường không bán hoặc bán với giá cao nên rất khó để cung gặp cầu. Trong khi đó, các công ty dược trong nước quy mô vừa và nhỏ có nhu cầu huy động vốn đáng kể”.
Qua những thương vụ tư vấn M&A thành công, kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của HSC ngày càng được nâng cao. Đó là những là lý do quan trọng giúp HSC luôn có hợp đồng M&A để thực hiện và năm nào cũng có thương vụ tư vấn thành công. Tháng 8 vừa qua, HSC đã hoàn thành tư vấn cho thương vụ M&A của Công ty Dầu ăn An Long. Hiện nay, bên cạnh các công ty dược, HSC đang trong quá trình thương thảo M&A cho 2 công ty thủy điện.
Các khách hàng của HSC chủ yếu là công ty tư nhân và công ty gia đình nên tính bảo mật thông tin của thương vụ khá cao, ngay cả khi thương vụ đã hoàn thành. Nhưng bất kể một sự thành công nào đều có khả năng “hữu xạ tự nhiên hương”. Do đó, ngày càng nhiều khách hàng tìm đến và lựa chọn HSC tư vấn cho các thương vụ M&A có tính chất phức tạp. Các hợp đồng tư vấn của HSC không dựa trên quan hệ đặc biệt hoặc chỉ là đơn vị tư vấn đơn thuần về thủ tục khi các bên mua và bên bán đã có thỏa thuận. HSC luôn đem lại giá trị để bên bán có thể cấu trúc lại DN, đồng thời kiếm được đối tác toàn diện để nâng DN lên một tầm cao mới.
Tên tuổi của HSC được khẳng định trên thị trường tư vấn M&A trong nước và khu vực nên các nhà tư vấn cho bên mua, NĐT nước ngoài tìm đến HSC nhiều hơn khi họ quan tâm và muốn tìm mục tiêu ở thị trường Việt Nam. Ông Cần cho biết, trong lĩnh vực tiêu dùng, các NĐT Nhật Bản, Hàn Quốc đang rất năng động tìm kiếm các DN để thực hiện M&A. Sự quan tâm này có thể đo lường được thông qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều hơn từ phía bên mua. Còn trong ngành dược, HSC nhận được đơn đặt hàng từ các công ty dược lớn trong khu vực châu Á như Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Lĩnh vực thủy điện cũng đang được NĐT nước ngoài quan tâm.
Với trình độ, năng lực, kiến thức, kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thương vụ tư vấn M&A thành công, mục tiêu hàng đầu của HSC là phục vụ tốt các khách hàng đã tìm đến và đặt niềm tin vào Công ty.