Dưới góc nhìn của ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK HSC, việc đổi mới kênh huy động vốn qua TTCK đang là yêu cầu cấp thiết để cân đối lại thị trường tài chính cũng như tiếp sức cho khối DN tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vai trò dẫn vốn của TTCK vào DN tư nhân đang yếu
Hiện tại, ở Việt Nam có ba kênh huy động vốn chính của DN, gồm vốn tín dụng từ ngân hàng, huy động từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề lớn của thị trường tài chính Việt Nam là sự mất cân đối giữa các kênh huy động vốn.
Các DN chủ yếu hướng đến nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại, trong khi việc huy động vốn qua TTCK chưa được chú trọng đúng mức. Theo thống kê, hiện nay, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế là hơn 200 tỷ USD, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu khoảng 60 tỷ USD và thị trường trái phiếu DN mới chỉ khoảng 1,3 tỷ USD.
Sự thiếu vắng các nhà đầu tư lớn tham gia thị trường và sự nghèo nàn của các sản phẩm tài chính khiến thị trường vốn chưa thể lớn mạnh được. Hiện tại, đối tượng tham gia giao dịch trên thị trường cổ phiếu chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức chỉ chiếm 15 - 17% tổng lượng giao dịch.
Ở thị trường trái phiếu DN, người mua chính cũng là các ngân hàng thương mại. Tỷ trọng dành cho danh mục đầu tư trái phiếu DN của các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm còn rất nhỏ. Thực tế này xuất phát từ việc thiếu vắng các tổ chức đánh giá tín nhiệm uy tín, một trong những cấu thành cơ bản của thị trường trái phiếu khi kết quả đánh giá tín nhiệm của DN tại các thị trường phát triển thường được sử dụng như một công cụ để “định giá” loại hình chứng khoán nợ này.
Bên cạnh đó, thị trường thứ cấp cho trái phiếu DN chưa được phát triển. Thực tế, trên Sở GDCK TP. HCM, có rất ít trái phiếu DN được niêm yết và giao dịch. Vì vậy, nhà đầu tư thường chỉ có một lựa chọn là nắm giữ đến ngày đáo hạn của trái phiếu. Các sản phẩm tài chính cũng đơn điệu và trái phiếu DN hiện nay không khác nhiều so với tính chất của một khoản vay dài hạn từ ngân hàng thương mại.
Vì đâu?
Trên thực tế, nguồn vốn nhàn rỗi trên thị trường không thiếu, tuy nhiên, có hai điểm mấu chốt cần cải thiện để gỡ nút thắt cho dòng vốn là cải thiện độ rủi ro và tăng tính thanh khoản của TTCK.
Vấn đề lớn nhất của nhà đầu tư trên thị trường vốn hiện nay là không đánh giá được rủi ro. Ngoài rủi ro quốc gia của Việt Nam và rủi ro của một số ngân hàng thương mại lớn được đánh giá bởi các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế như Fitch, S&P…, các DN Việt Nam đa số chưa được đánh giá bởi một bộ xếp hạng rủi ro chuẩn nào. Các đánh giá rủi ro đều mang tính chủ quan và ngắn hạn.
Thực chất, rủi ro của các DN tư nhân khá cao do thiếu năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin. Phần lớn các DN tư nhân chưa chuẩn bị tốt nguồn vốn tự có của mình, chưa chứng minh được năng lực sử dụng vốn (gồm triển vọng kinh doanh dài hạn và khả năng quản lý rủi ro) trước khi huy động vốn. Các DN tư nhân vẫn bỏ ngỏ việc quản lý rủi ro của mình, từ quản lý công nợ, tài chính đến quản lý thông tin.
Thanh khoản của thị trường thứ cấp quyết định sự hấp dẫn đầu tư trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, thực tế là TTCK đang thiếu các nhà đầu tư lớn và các sản phẩm đầu tư phù hợp, khung pháp lý cho việc đa dạng hóa các loại hình quỹ vẫn còn hạn chế. Các công ty quản lý quỹ vẫn chỉ huy động được vốn của một bộ phận nhỏ nhà đầu tư, trong khi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư còn rất nhiều.
Việc thiếu đa dạng của các sản phẩm đầu tư khiến nhà đầu tư e ngại bỏ vốn. Vì vậy, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý và cơ sở hạ tầng cho việc phát triển các sản phẩm mới như: chứng khoán phái sinh, đầu tư chỉ số, các sản phẩm đầu tư thay thế… Việc gia tăng số lượng cũng như chất lượng hàng hóa sẽ giúp TTCK ngày càng lớn mạnh hơn.
Bản thân các DN cũng cần chủ động hơn trong việc tăng thanh khoản của DN mình thông qua việc nghiên cứu kỹ về thị trường, tận dụng tốt thời điểm, phát triển các sản phẩm huy động vốn mới trong điều kiện cho phép của thị trường, tích cực làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) để thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn.
Các DN cần kết nối chặt chẽ với nhau hơn cũng như tích cực hợp tác với các định chế tài chính lớn để tận dụng sức mạnh cộng hưởng của việc chia sẻ nếu xét tới số lượng lớn và độ bao phủ rộng rãi các ngành nghề của cộng đồng DN tư nhân. Đó cũng là những kinh nghiệm thực tế của một DN niêm yết khi đã áp dụng thành công cho chiến lược tăng vốn của mình.